THẦN HỌC VÀ THẦN HỌC HIỆN ĐẠI

THẦN HỌC

 & THẦN HỌC TÂN PHÁI TỰ DO HIỆN ĐẠI

Có thể nói một trong những loạn lạc của Cơ-đốc-giáo muôn thưở đó là loạn Thần học. Mỗi hệ phái có một quan điểm thần học riêng, mạnh ai nấy hiểu, mạnh ai nấy làm. Chúng ta nhìn Đức Chúa Trời như 5 người mù sờ voi; ai sờ được bộ phận nào thì quyết tâm tin và bảo thủ điều mình thủ đắc được.

Thần học hiện đại hay cô nhi viện thời @ thật khó phân biệt. Có những trường thần học, giáo sư và chương trình thì nhờ bá tánh động lòng thương xót. Cho gì ăn đó, dạy gì học đó. sau khi học biếu không cho cái bằng mục sư hay cử nhân , cao học. Một vị hội trưởng kiêm mục sư phân trần : Mình nghèo không có gì cho anh em, thôi cho anh em chút chứt, chút phẩm hàm làm kỷ niệm…

Thậm chí có chương trình thần học giống khổng tử sang định tứ thư ngũ kinh. Gọi là thần học “tinh tuyển” . Chỉ cần đi cóp nhặt những tư tưởng, những bài vở của các nhà thần học nỗ tiếng, rồi đặt cho tên rất kêu ” Thần học tinh tuyển”. Có người gọi đó là thần học mót lúa.

Đây là đề tài rất lớn- rất khó. Chúa đã tiên tri: Các hệ phái, các quan điểm thần học sẽ tồn tại cho khi Chúa tái lâm.

Tôi không có tham vọng giải quyết; hay chỉ trích phê phán; chỉ mong  đưa ra những vấn đề tôi đã học được, kinh nghiệm được từ Chúa Thánh Linh qua Kinh thánh. Mong quý vị thông cảm

I / THẦN HỌC LÀ GÌ ?

Chữ Thần trong tiếng Hán là Đức Chúa Trời. Thần học là học về Đức Chúa Trời. Chữ Thần và chữ Linh là hai từ điệp ý, đồng nghĩa dị âm. Các bạn dịch tiếng Việt khi thì dùng Thần, khi dùng Linh, bí thì dùng thần trí… Loạn ngôn!

Nhưng chữ Thần còn bao hàm các thần hay tà linh ( các tà thần- evil gods).

Có thể định nghĩa tổng quát

“ Thần học là môn học nghiên cứu các Thần, bao hàm Chân thần ( Thánh Linh- Holy Spirit) và tà thần ( tà linh- evil spirit) , nhân thần (nhân linh- man spirit).

Trong thế gian Có 3 dạng linh : Thánh linh – tà linh – nhân linh. Con người là một hữu thể nhân linh, có khả năng tương giao với các linh trong vũ trụ.

1/ Làm thế nào con người có thể hiểu được Đức Chúa Trời ?

Đây là câu hỏi không chỉ dành cho nhân loại, mà cho cả mỗi Cơ-đốc-nhân chúng ta; cho những người đang học Thần học- cho các Thần học viện. Mỗi chúng ta cần hiểu biết Chúa nhiều hơn – sâu hơn- chuẫn xác hơn , để đức tin chúng ta tiến tới sự hiểu biết trọn vẹn về Chúa chúng ta.

Trong sách Hê-bơ-rơ, tác giả đã khẳng định

“ Vả không có đức tin, thì không thể đẹp lòng Ngài; vì ai đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng Ngài là thực hữu và ban thưởng cho ai tìm kiếm Ngài”  Hê-bơ-rơ 11:6

Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê xu Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó ” Phi líp 3: 8

Có nhận biết Chúa quý mới dám từ bỏ mọi sự; mới dám bán hết gia tài để mua cho được “ngọc quý” đó. Nhận biết có Đức Chúa Trời là một khám phá đầu tiên của đức tin chân chính. Chưa kinh nghiệm Ngài thực hữu trong đời sống riêng tư, xem như chưa có đức tin thật; chỉ có đức tin tôn giáo, đức tin ăn theo cha mẹ : ai tin sao tôi tin vậy- Ai làm bậy tôi làm theo”

Đức tin là sự khám phá cá nhân. Khám phá có Đức Chúa Trời là một khoa học gia vĩ đại trên cả vĩ đại !

Ngày nay các học viện Thần học, các sĩ tử đã thất bại vì chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo không thực thể hóa nhận biết Chúa mà lại mở đường cho hươu chạy tìm cỏ non (danh-lợi-quyền).

Tin Ngài thực hữu hay kinh nghiệm Ngài có thật; đây là nguồn gốc của mọi vấn đề; cũng là hướng giải quyết mọi nan đề của những vấn đề sai trật gọi là Thần học tân phái hiện đại.

Bởi cớ chúng ta chưa xác tín Ngài là Thượng đế toàn năng- chưa kinh nghiệm Ngài là Đấng thực hữu trong cá nhân! Chưa tin Chúa Jesus là Đức Chúa Trời- chưa hiểu chỉ có Thánh linh Đức Chúa Trời sẽ giải bày Ngài cho chúng ta. Chúng ta chưa nhờ cậy Ngài đúng mức; thì chúng ta tin gì ! tin để làm gì ?

Lại thêm  Thần học tân phái- chủ trương phải khoa học hóa kinh thánh. Cái gì phù hợp khoa học thì tin, ngoài ra là chuyện huyền thoại. Thần học hiện đại do con người sáng tác, mang lại sự hoài nghi tính toàn năng toàn tri toàn mỹ của Đức Chúa Trời.

Tôi tin Chúa năm 1984 và học 3 tháng giáo lý báp-tem rồi chịu báp-tem tại nhà thờ Lữ Gia do Mục sư Võ văn Lạc chủ tọa.

Sau đó tôi tự học, học với Thánh linh; học với các môn đồ thật của Chúa qua các tác phẩm nổi tiếng. Chúa giúp tôi khám phá các bổn tính cúa Đức Chúa Trời, những điều kỳ diệu trong Ngài.

Tôi đã đứng vững trong đức tin dù phải trải qua nhiều sóng gió, tù đày, bắt bớ tưởng dường như sắp bị ngã gục. Tôi chỉ còn bám vào lời hứa, trông cậy Thánh linh như Gia-cốp ôm chân Chúa.

Chúa khải thị cho tôi nhiều điều mà giờ phút này tôi không thể hiểu được tại sao tôi hiểu được như thế. Phao-lô đâu tốt nghiệp thần học nào đâu! Thần học hiện đại là con dao hai lưỡi.

Tôi nói điều này, mong quý vị bớt tin thần học do con người lập nên mà hãy học với Thánh linh qua Kinh thánh cùng với những người đã kinh nghiệm Chúa thực hữu.

Qua bài học ông Cho Yonggi và các đại lãnh tụ phong trào Ngũ tuần và lịch sử hội thánh 17 thế kỷ giúp chúng ta có bài học : Tin con người là tự sát- tin thần học con người là bội đạo. Khốn nạn thay cho những ai tin vào lòng tốt của loài người. Châm ngôn nói

” Có một con đường dường như chánh đáng cho loài người; nhưng cuối cùng là nẽo sự chết”

2. Thần học là bài học đức tin

 

Đức tin là chìa khóa vạn năng để khám phá các kho báu cùng bổn thể Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Phao-lô minh họa trong ICor 13 thật tuyệt vời

Nếu tôi làm được mọi sự… nói được mọi sự… hiểu được mọi sự… tôi là siêu nhân nhưng không tình yêu thương Agape, không khám phá có Đức Chúa Trời thì tất cả, tất cả đều vô nghĩa.

Dĩ nhiên, đức tin là quá trình nghiên cứu, trải nghiệm để thực hữu Ngài. Nghiên cứu mà không có đức tin thì chỉ là nhà khoa học của bế tắc; Tin mà không nghiên cứu cũng như con thuyền không bến; giống như  bước đường cùng của Nguyễn công Hoan “ Anh Pha”; hay tắt đèn của “chị Dậu”  của Ngô tất Tố.

Hội thánh Công vụ sứ đồ, đã theo đúng quy trình này : ba năm theo Chúa học tập- khi Thánh Linh trong ngày lễ ngũ tuần, họ nhận và tin một cách dứt khoát; sau đó ngày nào cũng nhóm lại học tập, suy gẫm lời dạy các sứ đồ, rồi tiếp tục tin và sống với niềm tin; sẵn sàng tuận đạo cho niềm tin. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác như dòng suối đức tin chảy mãi. Đạo Đức Chúa Trời đơn giản là vậy!

Lòng tin kinh nghiệm Chúa; học tập kinh nghiệm Chúa tăng niềm tin. Đức tin lại dẫn đến đức tin; đức tin giúp chúng ta hiểu biết bề cao, bề sâu, bề rộng đức Chúa Trời . Sa-tan, tà giáo tự động gài số de.

3. Càng học lòng thêm cứng

Có một nghịch lý mà nhiều Cơ-đốc-nhân không khỏi băn khoăn. Ngày xưa mới tin Chúa, mới tập tành phụng sự Chúa thì những lời làm chứng, chia sẻ thật ngọt ngào đi vào lòng người, nói người ta tin dễ dàng.

Bây giờ bằng cấp, chứng chỉ Thần học đem cân cả ký lô với đủ mọi Thần học gia, mọi trường Thần học nổi tiếng. Bài giảng bố cục rõ ràng, nói năng lưu loát, đúng bài bản, sách vở, phương pháp Thần học vv… Nhưng không có tác dụng bao nhiêu; hình như Thánh linh đã quay mặt.

Đó là một thật tế mà nhiều lãnh đạo Hội thánh tư gia đã thấy, nhưng biểu đồ điều trị thì mù như chị Dậu : đèn cứ tắt, ”vũ như cẩn, vẫn như cũ” ; con đường xưa em lỡ chọn, em vẫn cứ đi.. và cứ đi vào cõi mộng mơ của vườn treo Ba-bi-lôn , bám theo 1001 Mê-đô-ba-tư hấp dẫn hiện đại.

Hãy rút kinh nghiệm từ sứ đồ Phao-lô

“ Ngôn ngữ và sứ điệp của tôi không dựa vào những lời lẽ khôn khéo ( Thần học) để thuyết phục, nhưng chính là sự thể hiện quyền năng của Thánh linh; để đức tin anh em không dựa trên sự khôn ngoan của loài người (Thần học), mà trên quyền năng của Đức Chúa Trời”   ICor 2:4-5

Ngay cả Kinh Thánh, nếu không tiếp nhận bởi đức tin, đọc bởi đức tin, rồi bởi đức tin vâng phục; thì Kinh thánh cũng chỉ là quyển sách đạo đức- một bản luật pháp công dân giáo dục như giới răn của ông Phật; tuyên ngôn của Các- mác, Lê-nin hay nghị quyết của chính quyền. Chúa cũng đã cảnh cáo

“ Văn tự làm cho chết, Thánh linh làm cho sống” II Cor 3: 6b

Bám vào văn tự, sẽ trở thành cụ Đồ nho; bỏ kinh thánh chỉ hướng về Thánh linh sẽ trở thành người cõi trên. Kinh Thánh với Thánh linh như đôi cánh của con chim, phải song hành trong nhịp đập, chim sẽ bay cao, bay xa; vui thỏa …

Thần học của hầu hết các giáo phái bảo thủ thì chủ chương ” bế môn tỏa cảng”; Chơi Mình Anh (CM&A) , không dám học các nền Thần học khác vì sợ nhiễm men, mất chiên.

Còn Thần học của các hệ phái tư gia thì bất cứ gì cũng học; ai nói gì cũng tin, miễn đi học được tài trợ, được cơm ăn và có chứng chỉ khoe với đời. Học nhiều mà không thông hiểu lẽ thật là vậy. Cái đầu thì học, nhưng cái lòng thì đóng; đầu to, mình nhỏ là hậu quả của thần học hiện đại. Tai họa của Thần học là vậy!

Tôi không chống đi học, nhưng học theo kiểu chay; học để lấy bằng cấp để chạy chức chạy quyền, để trở thành cán bộ tôn giáo, họ để thành ông nghè ông cống; học để thể hiện mình ra phết. Học kiểu đó đừng học tốt hơn. Đó là đại họa của Hội thánh Chúa ngày nay.. Nói như cô Kiều

“ Yêu nhau (thần học) kiểu ấy bằng mười hại nhau”

Một trăm năm CM&A và 25 năm các Hội thánh tư gia Việt nam là câu trả lời cho “Thần học hoàng hôn”, Thần học thực dung duy lợi.

 

II/THẾ NÀO LÀ THẦN HỌC TÂN PHÁI TỰ DO, HIỆN ĐẠI

Thần học tân phái hiện đại , theo “thông tấn xã cà-phê”: học để thành ông thần, ông thần là bầy tôi, bầy tôi là bồi Tây!  Thần học hiện đại  đào tạo một lớp có khả năng tri thức để ra làm ông nghè ông cống; làm quan tôn giáo, bóc lột khoa học”

Thần học Tân phái- tự do hiểu một cách tổng quát là Thần học xét lại, giám lý lại những gì Thần học cũ đã nói, đã tin. Họ xét lại tất cả Kinh thánh- niềm tin- các câu chuyện Kinh thánh; cả Chúa Jesus và  Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một…..

Tổng quát họ không còn tin Đức Chúa Trời toàn năng- Kinh thánh là lời Đức Chúa Trời vô ngộ. Họ muốn giúp Đức Chúa Trời hoàn thiện chương trình cứu rỗi .

Ví dụ : Phải tôn trong nhân quyền như quyền được tự do tình dục, tự do phá thai, tự do đồng tính luyến ái , tự do ly thân ly dị, tự do lập Hội thánh thêm lễ thêm lạc…. Nói chung, cái gì họ thấy hợp tình hợp lý thì thêm vào; cái gì không phù hợp với khoa học thì gọi là huyền thoại. Lấy văn hóa- văn minh- khôn ngoan nhân loại pha trộn với Kinh thánh gọi là “hội nhập văn hóa” đồng nghĩa “thỏa hiệp với thế gian”.

Thần học tự do hay Thần học Tân phái là một rừng u u, minh minh. Tôi thường nói với anh em đó là “Thần học hoàng hôn” : một chút nắng chiều 7 sắc cầu vồng; một chút bóng tối, một chút ánh sáng bóng mây, tạo thành một bức tranh  thật nên thơ! Nó cũng giống thịt ba rọi, như anh chàng “bóng”, chị “ô-môi “ hay nước hâm hẩm.

Chúng ta không cậy Thánh linh, chúng ta sẽ lạc vào rừng âm u của tư duy bồng lai tiên cảnh, không định hình, không giới hạn, không có khởi đầu cũng không kết thúc .

Hãy nhớ lại người khôn ngoan trước đây không ai hơn và sau này không ai bằng Vua sa-lô-môn. Nhưng chính cậy sự khôn ngoan đó, ông  đã lạc đường, sai hướng, tạo thành  tư duy vô định này. Ông đã tỉnh thức quay về đúng lúc

 Vì nếu sự khôn ngoan nhiều, sự phiền não cũng nhiều; ai thêm sự tri thức ắt thêm sự đau đớn”” Truyền Đạo 1: 18

” Sự kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời là khởi đầu của sự khôn ngoan” Ch 1:7

Thần học là phải học về Đức Chúa Trời, về đường lối Đức Chúa Trời. Nếu đem văn hóa đời nay, văm minh đời nay, triết học vào thần học, sẽ là một thảm họa cho tiền đồ Hội thánh Chúa.

Các viện thần học đã nhận tiền của tư bản, thậm chí của tài phiệt đồng tính; chấp nhận tân phái đó là một sỹ nhục Chúa.

Ngày nay có một thần học tinh tuyển của Mục sư Đinh thiên Tứ. Ông Tứ tuyển chọn những tinh hoa cúa các nhà thần học, gom lại một mối gọi là Thần học tinh tuyển. Tôi gọi đó là Thần học Khổng tử. Khổng tử sang định tứ thư ngũ kinh.

Đúng của người ta , mang về nhà làm của mình. Loạn thần học là vậy

 III. THẦN HỌC HAY CÔ NHI VIỆN

Khi nói cô nhi viện, có nghĩa nơi nuôi dưỡng những em không cha không mẹ, không chốn nương thân. Các em được nuôi dưỡng bởi những tấm lòng hão tâm của bá tánh.

Hầu hết các viện Thần học ở Việt nam, đầu thế kỹ 21 không khác gì một cô nhi viện; thậm chí thua cả cô nhi viện.

Ban giám đốc , giám học thì có người chưa có bằng PTTH; hoặ có do chạy chọt nua bằng giả. Rồi được một hệ phái ở bên trời Tây ban tặng một bằng Tiến sỹ danh dự, hay tiến sỹ tình thương; vượt cả tiến sỹ giấy thời Trần tế Xương nhiều. .

Trường học thì lấy phòng khách nhà mình, hay thuê phòng khách sạn làm lớp học

Học viên : chiêu dụ một số tín hữu mới tin, hoặc thất nghiệp vào cho ăn, cho học miễn phí để đủ mâm đủ chén; báo cáo nhận kinh phí. Chúng gọi những người đi học thuê

Tài chánh thì bằng đức tin năng động bởi lòng xót thương của các giáo sỹ hão tâm ngước ngoài; của tà-giáo cũng không sao!

Chương trình học thì tùy thuộc vào lòng tốt của bá tánh, của muôn hệ phái. Rất dễ thương, ai dạy gì cũng học, cũng Amen đó là lời Chúa. Ví dụ :

CM&A- Báp-tít dạy tiếng mới là ma quỷ, cũng thấy có lý, có kinh thánh hổ trợ.

Ngũ tuần dạy lại, tiếng mới là dấu hiệu của đầy dẫy Thánh linh, chưa có tiếng mới là chụa được tái sinh,phải giải cứu vì đang thuộc tối tăm ma quỷ; họ cũng vâng phục.

Rồi UPC dạy , phải báp-tem nhơn danh Chúa Jesus thôi; nhơn danh Cha-Con-Thánh Linh là sai phải làm lại; thế là cả lớp học ngoan ngoãn xuống nước làm lại hết. Quan trọng thất là cho ăn đầy đủ.

Tôi cũng đã tham gia dạy một trường thần học kiểu này. Các em đa số là người dân tộc, hư đốn, cha mẹ gởi vào như trung tâm cải tạo giáo dục.

Hiện các viện thần học kiểu này ở VN không thống kê được. Quái chiêu đến nỗi một Hội nghị các chức sắc tôn giáo tại Vũng tàu, một vị Vụ trưởng tin lành ban Tôn Giáo chính phủ nói mĩa mai :” Thần học viện gì chỉ bằng lỗ mủi” Còn thua Viện uống tóc làm Nail.

Đúng thời hổn loạn; loạn từ nơi thánh đến chợ búa cả Cô nhi thần học viện.

 

KẾT LUẬN

Chỉ có một con đường giúp chúng ta thoát khỏi “Thần học hoàng hôn” này:

–        Lập đức tin trên lời Đức Chúa Trời .

–         Nhờ cậy Thánh linh  để suy gẫm (Meditate) Lời Chúa  ngày đêm.

–        Bầu bạn với những người kính sợ Chúa – môn đồ thật, ở trong một Hội thánh thật .

–        Phải lánh xa thần học Tân phái là Thần học tự do vô chính phủ, không có Thánh Linh soi dẫn, ứng dụng Kinh thánh méo mó, lệch lạc.

–        Cẩn thận lựa chọn trường Thần học chân chính.

–        Tự lập kinh tế; noi gương Phao-lô tự làm lụng vất vả để nuôi bản thân và cả anh em đồng công. Vì người đời cũng đã nói “ai chi tiền ấy là chủ”. Đừng nghe luận điệu con đường gần nhất đến cái đầu là phải qua bao tử. Thần học thực dụng- thần học kiểu Mỹ: “ Không bạn, không thù chỉ có lợi”.

 Đó là những điều chúng tôi đã học được sau 25 năm xương máu.

 

Ngày 9 tháng 5 năm 2014

 

Mục sư Nguyễn duy Thắng

 

 

Biên tập viên

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

2 thoughts to “THẦN HỌC VÀ THẦN HỌC HIỆN ĐẠI”

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.