BÀI GIẢNG MẪU
PHÂN TÍCH MỘT ĐOẠN KINH THÁNH
Ma thi ơ đoạn 2
(“ Khi Đức Chúa Jeusu…. . Ngài là người na-xa-rét”)
– Trước hết chúng ta phải đọc suy gẫm đoạn kinh thánh cho đến khi nắm rõ được nội dung câu chuyện và chủ đề muốn nói. Thường phải đọc khoảng 10 lần.
– Chọn chủ đề , vì một đoạn có thể có nhiều chủ đề khác nhau.
– Khi chọn chủ đề rồi, việc tiếp theo chọn các yếu tố để bổ túc, làm sáng tỏ chủ đề. Nếu bài giảng nửa giờ thì cần khoảng 3 yếu tố phụ; bài giảng 1 giờ khoảng 4 yếu tố là vừa.
BÀI GIẢNG MẪU GỢI Ý
Chủ đề : TÌM KIẾM CHÚA
I/ NHẬP ĐỀ:.
1/ Cách thứ nhất: Giới thiệu chủ đề
Trong kinh thánh, có rất nhiều mẫu chuyện của những người đi tìm kiếm chân lý. Nhưng không có câu chuyện nào ly kỳ hấp dẫn, cảm động bằng câu chuyện của các nhà thông thái chiêm tinh gia Đông phương đi tìm hài nhi Jesus được Thánh kinh ghi lại trong Ma-th-ơ đoạn 2.
Chúng ta thử phân tích tại sao những người học rộng tài cao, giàu sang phú quý, lại dám phiêu lưu ngàn dặm bất chấp hiểm nguy để tìm kiếm, thờ lạy và dâng lễ vật quý hiếm cho một hài nhi hạ sinh trong chuồng chiên máng cỏ.
Chúng ta đã giới thiệu được chủ đề: Người đi tìm và đối tượng tìm với một tấm lòng tôn kính bằng những lễ vật trân trọng.
2/ Cách thứ hai : Giới thiệu tác giả
Ma-thi-ơ là một người thu thuế, là hạng người được dân Do-thái , kinh thánh liệt vào bọn người xấu xa ( điếm đĩ, thu thuế). Nhưng Chúa lại kêu gọi ông Ma-thi-ơ vào chức vụ sứ đồ Chiên con. Ông đã theo Chúa , trung thành với Chúa; lại là trước giả sách đầu tiên của phúc âm thời tân ước.
Ông đã theo Chúa, , trung tín với Chúa và được vinh dự ký thuật lại cuộc đời Chúa Jesus từ giáng sinh cho đến lúc Ngài thăng thiêng.
Câu chuyện các nhà thông thái Đông phương tìm kiếm hài nhi Jesus đã được Ma-thi-ơ ghi lại thật súc tích, đầy đủ. Chúng ta thử phân tích đoạn kinh thánh này, học tập tấm lòng của các vị này
3/ Cách thứ ba : Giới thiệu tác phẩm
Sách Ma-thi-ơ được nhiều nhà thần học gọi là sách vương quốc. Chủ đề sách giới thiệu Chúa Jesus Vua của các vua; thế gian là Vương quốc của Ngài.
Sự giáng sinh của Chúa mang tính mầu nhiệm của Đức Chúa Trời giáng thế làm người.
Sự kiện các nhà thông thái từ Đông phương vượt núi băng đèo tìm kiếm Chúa để chiêm bái, thờ lạy, dâng của tế lễ là điều lạ lùng, chỉ có cho Đấng tạo hóa mới xứng đáng được sự tôn kính nầy.
Sách Ma-thi-ơ đã thuật lại câu chuyện rất súc tích và rất cảm động. Chúng ta thử phân tích và học tập tinh thần dũng cảm của các nhà thông thái đông phương
4/ Cách thứ 4: Lung khởi
Khi tiết trời vừa se lạnh, ngoài đường phố khởi sắc đầy ắp ánh đèn đủ kiểu, đủ loại với muôn màu sáng lung linh, như báo hiệu mùa Giáng sinh lại về.
Chúa Jesus giáng sinh không còn là kỷ niệm dành riêng cho người tin Chúa; mà còn dành cho mọi người không phân biệt màu da, ngôn ngữ, tôn giáo. Chúa Jêsus giáng sinh mang lại kỷ nguyên thanh bình cho nhân loại.
Giáng sinh về, không thể thiếu câu chuyện các thuật sĩ Đông phương đi tìm kiếm Chúa hài nhi Jesus. Chúng ta thử phân tích câu chuyện đã được sứ đồ Ma-thi-ơ ký thuật lại qua đoạn 2
(Ghi chú : Qua 4 cách , dù cách nào thì chủ đề muốn nói phải giới thiệu súc tích rõ ràng, nếu không sẽ lạc đề ngay).
II/ THÂN BÀI :
Phân tích lý do các nhà thông thái đi tìm và tấm lòng trân trọng ngưỡng mộ thờ lạy. Phải đặt những câu hỏi? rồi trả lời đúng trọng tâm. Tránh tả cảnh, đây là thể loại văn phân tích nghị luận, còn gọi là biện giáo. Cần phân tích chuẩn xác, khoa học thuyết phục người nghe tăng đức tin.
1. Tại sao đi tìm ?
Các nhà thông thái thuật sĩ phương đông đại diện cho những người mà nhân loại đang ước mơ. Họ giàu sang phú quý; học thức thì thuộc tầng cấp bề trên “thầy cha thiên hạ- dân chi phụ mẫu”, được mọi người tôn kính, ngưỡng mộ.
Họ đã có nhiều thứ trong thế gian; nhưng có một điều họ chưa có, họ đang cần là đời sống tâm linh. Chính sự thiếu thốn tâm linh, nhu cầu tâm linh là động lực để họ băng rừng vượt suối, bất chấp hiểm nguy; quyết tìm cho được Đấng Cứu Thế vừa mới hạ sinh tại Bết-lê-hem xứ Giu-đê mà từ ngàn năm xa xưa cựu ước đã tiên tri. Họ vốn là chiêm tinh gia, xem sao trời lại được khải thị qua ngôi sao dẫn đường
“ Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương” (Câu 2b)
Ứng dụng :
Họ là những người ngoại chưa biết Chúa, mà lại có thái độ và tấm lòng tìm kiếm Chúa như thế; còn chúng ta là Cơ-đốc-nhân, chúng ta đã đối xử với Chúa chúng ta như thế nào? Hãy soi lại mình, đừng tự hào là đạo dòng đạo gốc , chỉ làm tín đồ Nô-en
2. Tìm thì phải gặp
Tìm kiếm là một chuyện; tìm gặp là một chuyện khác ! Không ít người đi tìm, nhưng nửa đường bỏ cuộc!
Những nhà thông thái đông phương đã tìm, sau thời gian khá dài (khoảng 2 năm) và đã gặp được hài nhi Jesus trong căn nhà nghèo hèn của ông bà Giôsép-Mari tại Bết-lê-hem . Câu chuyện quá tuyệt vời trong sự kiên nhẫn khôn ngoan, quyết tâm cao độ; cuối cùng được đền đáp xứng đáng
“ Vua Giu-đa sinh ở đâu?” (Câu 2a)
Ở đâu? do nơi miệng chúng ta, chúng ta có chịu khiêm nhường học hỏi thì mới ra. Họ đã khiêm nhường cầu hỏi cho đến khi gặp được
“ Hỡi Bết-lê-hem, xứ Giu-đa!
Thật ngươi chẳng kém gì cá thành lớn xứ Giu-đa đâu,” (Câu 6)
Đức Chúa Trời chúng ta xem xét cái lòng. Họ đã thỏa mãn sự khát khao tìm gặp Đấng Cứu thế nhân loại.
“ …Cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở mới dừng lại. Mấy thầy thấy ngôi sao, mừng rỡ quá bội” (Câu 9-10)
Ứng dụng :
Có khi nào chúng ta lạc mất Chúa không? Có khi nào chúng ta cũng tìm kiếm Chúa nhưng không gặp được Ngài không? Chắc chắn cũng thường xảy ra
Đây là câu hỏi thách thức cho chúng ta xem xét lại niềm tin, cùng thái độ tôn kính; coi chừng chúng ta đến thờ lạy Ngài như thói quen tôn giáo, làm theo phong tục đời nay….Đừng tự hào tự mãn đạo dòng đạo gốc nữa. Tiên tri Giê-rê-mi nhắc nhở chúng ta
“ Ai tìm kiếm Ta, phải tìm kiếm hết lòng mới gặp được Ta”
Vâng , chúng ta tìm kiếm Chúa quá hời hợt nên không gặp Chúa mà chỉ gặp nan đề buồn bã, thất vọng. Hãy làm lại từ đầu.
3. Thờ lạy
Tìm kiếm là nhu cầu đúng đắn, tìm gặp là niềm vui được đền đáp. Nhưng gặp để làm gì ? lại là điều chúng ta cần suy gẫm tiếp!
Qua câu chuyện đầy cảm động của các vị này, quả thật trên đời này chẳng có mấy ai!
“ Khi vào đến nhà thấy co trẻ cùng Ma-ri mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài” C 11
Nếu Chúa là một Thiên Thần từ trời giáng thế, mà từ bỏ tín ngưỡng tôn giáo đông phương cũng là khó rồi. Ở đây, hài Nhi Jesus ở trong chuồng chiên hôi hám… tuổi tác thì đáng ông nội, lại theo phong tục tín ngưỡng phương đông ủa Nho giáo nặng nề. Họ ngoan ngoãn sấp mình thờ lạy một hài nhi không một chút do dự tính toán. Thật chỉ có sự khải thị từ Thiên thượng, một niềm tin mãnh liệt, việc này mới thành được. Việc làm họ đáng ngưỡng mộ.
Ứng dụng :
Tổ phụ chúng ta Áp-ra-ham- Y-sác- Gia-cốp đi đến đâu, chỉ lấy một vài hòn đá lập bàn thờ, thờ lạy Chúa đến đó. Các vị này tuy chưa biết luật pháp nhưng sống như luật pháp. Chúng ta có thật sự có thái độ khiêm cung thờ lạy Ngài giống như họ chưa!
4. Dâng của lễ
Của lễ là thể hiện của tấm lòng. Thành ngữ dân gian có câu
“ Tâm thành lễ vật- Đồng tiền gắn liền khúc ruột”
Các thuật sĩ phương đông rất am hiểu sự thành tâm trong việc dâng của lễ các thần họ. Họ có thái độ tôn kính đúng mức , dâng của lễ quý nhất cho Đấng tôn trọng nhất.
“ .. Rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và mộc dược” ( Câu 11c)
Đây là những của lễ quý, đắc tiền. Chỉ có hiểu được giá trị cao cả Đấng cứu chuộc, họ mới dám hy sinh dâng hiến như vậy.
Có lẽ Chúa dự bị vàng để ông bà Giô-sép sang lánh nạn Ai-cập; còn nhũ hương, mộc dược để ướp xác Ngài. Đức Chúa Trời chúng ta Di-rê mọi sự quá tuyệt vời.
Ứng dụng
Ngày nay, Chúa muốn chúng ta dâng của lễ gì tốt nhất cho Chúa đây! Tiền bạc ư ! thời gian ư ! điều đó không sai; nhưng chưa đủ. Của lễ tốt nhất, đẹp lòng Ngài nhất là dâng cái gì mình yêu quý nhất. Hãy cầu nguyện, tra hỏi Chúa muốn gì ? Chúng ta cũng tự tra xét và mạnh dạn công bố: “ Tôi phải làm gì cho Chúa, tôi không còn đòi hỏi Chúa làm gì cho tôi!” .Tôi nguyện dâng những điều tốt nhất cho Ngài.Hãy dâng tấm lòng đau thương thống hối và từ bỏ mọi sự để trở nên môn đồ Ngài.
III/ KẾT LUẬN:
Lịch sử đã trải qua hơn 2000 năm Chúa Jesus giáng trần đã làm thế giới thay đổi. Hội thánh của Chúa mang Phúc âm đã đến cho nhân loại; tình yêu đã thay hận thù, an bình vào nơi tranh chấp, chân lý thay lỗi lầm.
Mùa giáng sinh lại về với chúng ta, câu chuyện các nhà thông thái đi tìm kiếm Chúa vẫn là hình ảnh tuyệt vời đã ghi vào kinh thánh. Họ đã về với Chúa nhưng câu chuyện tồn tại mãi như Chúa Jesus sống động trong lòng chúng ta và nhân loại.
Hãy tìm kiếm Chúa và hết lòng tìm kiếm Chúa phục sinh, dâng những gì tốt nhất cho Ngài.
Cầu xin Chúa ban cho anh chị em một mùa giáng sinh an lành, phước hạnh.
Ngày 24 tháng 5 năm 2014
Mục sư Nguyễn duy Thắng