Chương III: CHỨC VỤ 5 MẶT TRONG HỘI THÁNH
I/ SỨ ĐỒ:
1/ Sứ đồ là gì?
Tự nghĩa: Sứ đồ là người được sai đi, đại diện, khâm sai Đức Chúa Trời để bày tỏ đường lối của Vương quốc Ngài cho nhân loại. Kinh thánh đã dùng một sách gọi là Công vụ sứ đồ, gồm 28 chương để ghi lại mọi công tác của các sứ đồ trải dài hơn 60 năm.
Một trong những việc làm quan trong hàng đầu của Chúa Giê-xu là kêu gọi 12 sứ đồ và môn đồ hóa họ. Rồi Ngài tiếp tục chọn các chức vụ: Tiên tri, Giáo-sư, Truyền giảng Phúc âm và Mục sư.
“ Ấy chính Ngài đã ban cho người này làm sứ đồ, người khác làm tiên tri, người khác làm truyền giảng phúc âm, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư” Ê-ph 4:11
Ngày nay còn chức vụ sứ đồ không ? Câu hỏi thật đáng thương cho những nhà Thần học có thần kinh không được bình thường. Sứ đồ được ví như những cột chính của căn nhà; cái nhà không có cột thì chỉ là nhà bằng nhựa của đồ chơi trẻ con. Hội Thánh không còn sứ đồ thì thật là tức cười. Chính họ phủ nhận thánh chức cao trọng đó, cho nên họ đã sáng tác một chức danh khác thay thế như: Chủ tịch, Tổng Quản nhiệm, Giáo hoàng, Giáo Hội trưởng…
Xin nói lại: chức vụ năm mặt vẫn còn tồn tại trong Hội thánh cho đến khi Chúa tái lâm. Khi nào còn Hội thánh thì sứ đồ còn tồn tại. Ai phủ nhận, hoặc chưa khám phá sứ đồ của Chúa là một mất mát lớn cho Hội thánh.
Sứ đồ là chức vụ 5 mặt, là những trụ cột của Hội Thánh phổ thông. Mục đích chính là giảng phúc âm, thiết lập các Hội thánh địa phương , kiện toàn các trưởng lão địa phương và môn đồ hóa con cái Chúa . Sứ đồ là chức vụ quan trọng và thường có đủ tổng bao hàm các chức vụ 5 mặt.
Sứ đồ là cột trụ của Hội Thánh Đức Chúa Trời . Họ đảm trách hầu hết các chức vụ để gây dựng thân thể Chúa.
2/ Công tác sứ đồ:
a/ Truyền giảng Phúc âm- mở Hội thánh mới
“ Nhưng khi Thánh linh giáng trên các ngươi…. làm chứng về Ta từ Giê-ru-sa-lem… cho đến tận cùng trái đất” Cv 1: 8
Truyền giảng Phúc âm là một trong những nhiệm vụ đặc biệt của sứ đồ . Hoạt động của các sứ đồ không bị giới hạn trong một Hội thánh địa phương. Họ có thể đi giảng dạy, gây dựng từ địa phương nầy sang địa phương khác.
“ Tại thành Y-cô-ni Phao-lô và Ba-na-ba cùng vào nhà hội của người Giu-đa, giảng dạy khiến nhiều người Giu-đa và Gờ-rét trở lại đạo” Cv 14:1
Chúa ban cho các sứ đồ nhiều quyền năng, dấu kỳ phép lạ chữa lành mọi bệnh tật; cùng uy quyền trừ ma, đuổi quỷ, giải cứu nhiều người về với Chúa
“ Đoàn dân nghe người giảng và thấy các phép lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe hai người nói; vì có những tà ma kêu lớn tiếng mà ra khỏi nhiều kẻ bị ám, cùng kẻ bại và què được chữa lành cũng nhiều. Tại cớ đó, trong thành được mừng vui không xiết”
Cv 8 : 6-8
b/ Môn đồ hóa – xác nhận các trưởng lão địa phương
Sứ đồ là gạch nối, có trách nhiệm điều phối các chức vụ cùng ân tứ giữa các Hội thánh địa phương. Họ cũng chọn lựa những tín đồ ưu tú rồi môn đồ hóa để trở thành mục sư lãnh đạo Hội thánh ở tại địa phương đó. Các sứ đồ cũng được thẩm quyền xức dầu thụ phong các trưởng lão theo chuẩn mực của Đức Chúa Trời.
“ Ta đã để con ở lại Cơ-rết đặng sắp xếp mọi việc chưa thu xếp, và theo như ta đã răn bảo con, lập (thụ phong) các trưởng lão trong mỗi thành” Tít 1: 5
“ .. Lại biết tôi đã dạy anh em ( các mục sư) hoặc giữa công chúng hoặc từ nhà này sang nhà kia” Cv 20:20
c/ Giải thích và quản trị các lẽ mầu nhiệm:
Trong Kinh thánh có nhiều vấn đề khó hiểu, nhiều ẩn dụ mầu nhiệm. Chúa chỉ khải thị cho những người có ơn đặc biệt như sứ đồ giúp cho các Hội thánh địa phương hiểu rõ và sống đúng với Phúc âm.
“ Tiếng đó lại phán lần thứ hai rằng: phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ đừng cho là dơ dáy” Cv 10:15
Những con vật ô uế thời cựu ước cấm ăn, nhưng Chúa đã bày tỏ cho sứ đồ Phi-e-rơ là được phép ăn. Lẽ mầu nhiệm nầy cũng ngụ ý Đức Chúa Trời đã không còn xem những người ngoại là ô uế , Chúa cũng cho phép các sứ đồ đi truyền giảng cho người ngoại để họ cũng được cứu như người Do thái.
Hay hội nghị Giê-ru-sa-lem , hội đồng các sứ đồ được quy tụ một lần duy nhất để giải quyết vấn đề những điều cần yếu cho người mới tin
“ Nhưng chúng ta nên viết thư dặn họ giữ mình khỏi bị ô uế bởi các thần tượng và sự gian dâm, cũng đùng ăn thịt thú vật chết ngột và huyết” Cv 15: 20
(Thú vật(animal) chết ngột, không phải trứng lộn hay là cá (fishes). )
3/ Các dạng sứ đồ
Trong kinh thánh chia làm ba dạng sứ đồ:
a/ Sứ đồ Chiên con
Sứ đồ Chiên con chính là 12 sứ đồ mà Chúa Giê-xu trực tiếp kêu gọi, sống chung với Chúa cho đến khi Chúa thăng thiên.
“Còn tường của thành có 12 nền , tại trên có đề 12 danh , là danh 12 sứ đồ Chiên Con” Khải 21:14
Nhiều nhà thần học đã nhầm lẫn điều này và đã dạy dỗ sai lầm, cho rằng ai đã từng thấy Chúa mới là sứ đồ; và ngày nay không còn sứ đồ nữa. Phần nhiều các hệ phái truyền thống bảo thủ như CMA ,Báp-tít …lý do đó họ đã phủ nhận chức sứ đồ. Họ không tin vào Kinh thánh, mà chỉ tin vào sự khôn ngoan theo sự suy luận bội tín của loài người.
Lịch sử 2000 năm của Hội thánh Chúa; các sứ đồ, tiên tri.. luôn đồng hành một cách thầm lặng. Công tác họ đã làm, đã tô thêm vào sách Công vụ như những bông hoa hướng dương quay về Ê-đen thiên thượng như : Martin-Luther, AB. Simpson, Wesley… là những sứ đồ đáng kính; họ âm thầm thi hành chức vụ trước sự chống đối của các Babylon tôn giáo.
Thật buồn cười nếu chỉ có 12 sứ đồ thì Phao-lô, Banaba, Abôlô là gì ? Sứ đồ gì, thật quá đơn giản như thế như mà nhiều người vẫn chưa chịu hiểu !!!
b/ Sứ đồ Đức Thánh Linh
Có lẽ sứ đồ được kêu gọi kế tiếp 12 sứ đồ Chiên con sau khi Đức Thánh Linh đổ xuống là Phao-lô, Ba-na-ba, A-bô-lô….
“ Phao-lô, làm sứ đồ chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Jesus Christ và Đức Chúa Trời” Gal 1:1
“ Nhưng hai sứ đồ là Ba-na-ba và Phao-lô hay điều đó, bèn xé áo mình” Cv 14:14
Qua hai câu Kinh thánh này, hy vọng lý thuyết chỉ có 12 sứ đồ và không còn sứ đồ nữa sẽ bị chôn dưới biển đỏ.
c/ Sứ đồ giả
Lịch sử nhân loại là lịch sử của 2 con đường: Đức Chúa Trời và Sa-tan ,ma quỷ ; thiện và ác.
Trong thế gian có hàng thật quý hiếm thì cũng có hàng nhái luôn kèm theo. Càng văn minh thì hàng giả, hàng nhái càng tinh vi. Trong Hội thánh Chúa cũng thế; “hàng hiệu sứ đồ thật” luôn bị kèm theo ” hàng nhái sứ đồ” hay còn gọi “đồ sứ” song hành. Ngay thời Công vụ đã có sứ đồ giả chống đối Phao-lô, gây rối loạn các Hội thánh địa phương rồi.
“ Ta biết con không thể dung túng được những kẻ ác, lại biết con đã thử những kẻ tự xưng là sứ đồ mà không phải là sứ đồ, con đã rõ ràng chúng nó giả dối” Khải 2: 2b
Muốn phân biệt sứ đồ thật, sứ đồ giả không phải đơn giản. Chỉ có Hội thánh tại Ê-phê-sô có ơn này.
II/ TIÊN TRI:
Trong Tân ước tiên tri cũng có 3 dạng khác nhau : người tiên tri ; ơn tiên tri và lời tiên tri .
1 / Người tiên tri : (Prophet)
Là chức vụ đặc biệt luôn song hành với sứ đồ làm trụ và nền cho các Hội Thánh của Đức Chúa Trời .
Người tiên tri được Chúa xức dầu đặc biệt, mang một sứ mệnh, một khải tượng đặc biệt để khải đạo những việc trọng đại hoặc chấn chỉnh những sai trật của Hội Thánh. Chức năng của họ phân tích những tội lỗi, lên án tội lỗi, tư vấn phương án giải quyết tội lỗi. Những lời rao giảng của họ thường không mấy êm tai, thường gắt gỏng khó chịu như Ê-li, Ê-li-sê, Ê-sai, Giê-rê-mi , Giăng Báp-tist v.v… Ai có lòng mềm mại mới nghe được, còn những lãnh đạo chai lỳ lương tâm thì lên án , thậm chí ném đá .
“Ta sẽ sai các Đấng tiên tri ,và sứ đồ đến cùng chúng nó ; chúng nó sẽ giết kẻ này , bắt bớ kẻ kia hầu cho huyết mọi Đấng tiên tri đổ ra từ sáng thế , cứ dòng dõi này mà đòi” Lu ca 11:49-50
2 / Ơn tiên tri ( Prophecy )
Ơn tiên tri dưới người tiên tri , hạn chế hơn . Cả hai đều nói về những lời báo trước ; gây dượng Hội Thánh
“Dầu tôi được ơn nói tiên tri …”.I Cor 13:2
3/ Lời nói tiên tri ( Prophsy)
“Còn như kẻ nói tiên tri thì nói với người ta để gây dựng , khuyên bảo và an ủi” I Cor 14:3
Vua Sau-lơ khi gặp các tiên tri đang nói tiên tri, Chúa vẫn cho ông nói trong lúc đó. Lời nói tiên tri của mọi tín đồ chỉ đến trong một hoàn cảnh đặc biệt, không thường xuyên như người tiên tri hay có ơn tiên tri
“ Trong những ngày cuối cùng… con trai và con gái ngươi sẽ nói tiên tri” Cv 2:17
Tóm lại : Các chức vụ tiên tri, ơn tiên tri, lời nói tiên tri cũng đều đến từ Chúa; mục đích là để gây dựng thân thể Chúa . Chúng ta nên biền biệt, không vội vàng công nhận vì cũng có nhiều tiên tri giả dấy lên trong thời cuối cùng; nhưng cũng không nên hấp tấp phủ nhận. Thông thường, tiên tri giả nói êm tai, dễ nghe hơn tiên tri thật nên con dân Chúa nếu không có trình độc thuộc linh cao ,dễ bị lầm lẫn.
III/ GIÁO SƯ :
Giáo sư ở đây là một chức vụ cũng đặc biệt. Còn ơn giáo sư chỉ thuần công tác dạy Kinh thánh. Chúa cho giáo sư có khả năng hiểu Kinh thánh sâu nhiệm và hệ thống hóa lẽ thật, viết thành sách: giáo án, chuyên đề như Ian-thô-mát, An-drê-mô-rey, AB Simpson, Nghê-Thác Thanh, Lê-hoàng-Phu v.v…
IV/ THẦY GIẢNG PHÚC ÂM
Là những người có ơn truyền giảng Phúc âm như Billy Graham , Bon-ki ..Chúa thường ban nhiều dấu kỳ phép lạ , quyền năng chữa bịnh đuổi quỷ thuyết phục nhiều người tin .
V/ MỤC SƯ:
Mục sư còn được gọi : Giám mục, Linh mục, Linh hướng , Trưởng Lão, người chăn bầy. Khác tên gọi, nhưng cùng chức dịch. Tất cả cùng một mục đích hầu việc Đức Chúa Trời chăn bầy chiên là Hội Thánh của Đức Chúa Trời
“ Anh em hãy giữ lấy mình và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em coi sóc , để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời , mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” Cv 20:28
Mục sư đóng vai trò rất quan trọng đối với bầy chiên; họ phải sống trong Hội thánh địa phương, trực tiếp với bầy chiên; cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc chung với bầy. Chính lý do này, Chúa đã chuẩn hóa mục sư rất nghiêm khắc :
“ Vậy , người Giám mục phải không chỗ trách được , là chồng chỉ một vợ mà thôi , có tiết độ , có tài trí , xứng đáng , hay tiếp khách , và khéo dạy dỗ . Đừng mê rượu , cũng đừng hung bạo , nhưng phải mềm mại hòa nhã ; lại đừng ham tiền bạc ; Phải khéo cai trị nhà riêng mình , giữ con cái cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn ; vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình , thì làm sao cai trị được Hội Thánh của Đức Chúa Trời ? Người mới tin đạo khôngđược làm Giám mục, e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỷ chăng . Người Giám mục còn phải được người ngoại làm chứng tốt , kẻo bị sỉ nhục và mắc bẫy ma quỷ”
I Tim 3: 2-7
Mục sư chỉ có giá trị và ảnh hưởng trong bầy chiên của Hội Thánh địa phương mình thôi. Mục sư không phải phẩm hàm, cũng không phải là nghề cho toàn xã hội. Muc sư là thánh chức Chúa kêu gọi để chăn bầy mà thôi cũng như người cha sinh con ra phải nuôi dạy con nên người.
Sứ đồ có uy quyền điều phối các ơn tứ trong các Hội thánh địa phương; còn mục sư chỉ được quyền điều phối các ơn tứ trong một địa phương mình.