Chúa Jesus trong 3 năm huấn luyện môn đồ đã để lại tấm gương. Ngài khải thị một đường lối nhất quán về chiến lược môn đồ hóa thật hiệu quả, tuyệt vời trên cả tuyệt vời.
12 sứ đồ đã ứng dụng đường lối của Chúa, mang lại hiệu quả không thua gì Thầy mình
Danh từ môn đồ (deciphe), tín đồ (believer), thánh đồ (be holy) ba danh xưng, nhưng cùng một nghĩa, một tính chất. Tiếng Hy-lạp: mathetes có nghĩa môn đệ, học trò, người tin Ngài và xin theo Ngài. Tân ước dùng hầu hết chữ nầy
Môn đồ hóa là danh động từ (decipheship); tiếng Hy-lạp là matheteuo. Môn đồ hóa đồng nghĩa với đạo đức hóa, thánh hóa (become saint) hay Cơ-đốc nhân trưởng thành, người thuộc linh…chữ này tân ước chỉ dùng 4 lần.
Môn đồ hóa là một tiến trình nên thánh học suốt đời.
Môn đồ hóa gồm hai bước.
I/ TÍN ĐỒ HÓA NGƯỜI NGOẠI
Một cách nói dễ hiểu: Tín đồ hóa là thuyết phục người ngoại đạo trở lại tin Chúa Jesus.
“ Các ngươi phải đi truyền giảng Tin lành khắp muôn dân, ai tin thì làm báp tem cho họ” Mat 28:19.
Sau khi 120 môn đồ trên phòng cao nhận được dầy dẫy Thánh linh, công việc đầu tiên là họ thực hiện đại mạng lịnh truyền giảng phúc âm cho mọi người. Bài giảng đơn sơ không thần học cầu kỳ, nhưng 3000 người thấu tận hồn linh cốt tủy, lòng như kim châm, chủ động hỏi các môn đồ Ngài: chúng tôi phải làm gì để được cứu? Chúng tôi phải tin ai để được tha tội! xin cứu chúng tôi! chúng tôi đang chết mất. Lời khẩn cầu van xin đó đã được đáp ứng
Câu trả lời rất ngắn gọn: chỉ tin Chúa Jesus và chịu báp-tem ngay. Họ sung sướng vâng lời, mọi người đã nhận được đầy dẫy thánh linh bên ngoài (pletho). Họ kinh nghiệm ngay mọi tội được tha, mọi bịnh tật được chữa lành. Họ nhận được sự tái sinh, được bình an, sự thay đổi đời sống và tin chắc được sự sống đời đời. Nền đức tin đúng đắn đã được vững lập ngay từ đầu .
“Ngày đó có độ 3000 người tin và chịu báp-tem” Cv 2:41
“Phi-e-rơ và Giăng bèn đặt tay trên môn đồ, thì đều nhận lấy Đức Thánh Linh” Cv 8; 17
Sứ đồ Phi-e-rơ tiếp tục rao giảng bằng quyền năng Thánh linh, chữa lành mọi bịnh tật, đáp ứng nhu tâm linh cũng như những uẩn khúc cuộc đời cho họ.
Lời hứa Chúa Jesus: “Ta thường ở với các ngươi cho đến ngày tận thế “ luôn ở với các sứ đồ. Các sứ đồ tiếp tục rao giảng phúc âm; số người xin tin Chúa tăng thêm hàng chục ngàn.
“Số người tin Chúa tăng thêm mỗi ngày, nam nữ đều đông lắm… Dân chúng ở các thành lân cận cũng lũ lượt kéo tới thành Giê-ru-sa-lem… hết thảy đều được chữa lành” Cv 5:14-16
Đọc đến đây, chúng ta tưởng như câu chuyện huyền thoại; câu chuyện huyền thoại không phải bởi các siêu nhân hay siêu sao. Chúa dùng những con người tầm thường: đánh cá, thu thuế, thất học; nhưng tấm lòng khao khát Chúa , trọn lòng thành với Chúa, trông cậy Chúa. Cách truyền giáo thật đơn giản, ít tốn kém mà hiệu quả ngoài sức tưởng tượng.
Môn đồ gia tăng, chắc chắn nan đề cũng gia thêm.. Con người hơn nhau ở chỗ dám công khai nhìn nhận mình chỉ là con người xác thịt và người đi môn đồ hóa phải làm thay đổi bản chất tội lỗi.Thay đổi tấm lòng con người chính là môn đồ hóa.
II / MÔN ĐỒ HÓA HỘI THÁNH
1. Dạy tín đồ tin kính Chúa
Môn đồ hóa tín đồ chính là bước tiếp theo của đại mạng lịnh:
“Dạy họ giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi”.
Môn đồ hóa là sửa chữa những sai trật trong cuộc sống, là làm mới lại, là thay đổi tư duy, là thay đổi tấm lòng để mỗi ngày giống Chúa hơn.
Môn đồ hóa là một tiến trình nên thánh; để làm tín đồ chỉ cần tin và chịu báp-tem một lần đủ cả; còn để trở nên môn đồ phải học tập, phải chịu tỉa sửa, học tập cho đến khi chúng ta gặp mặt Chúa.
“Hãy trở nên trọn vẹn như Cha các ngườiở trên trời là trọn vẹn” Mat 5: 48
Phương ngôn thế gian có câu “ mười năm trồng cây; trăm năm trồng người.” Muốn làm con người đúng nghĩa theo Nho giáo phải “tam cương, ngũ thường: Quân – sư – phụ; nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Điều này đã quá khó, còn làm môn đồ Chúa lại còn khó gấp bội lần.
Có một Cơ-đốc nhân minh họa: “người nào không biết mình có tội là ma quỷ; người nào biết mình có tội là con người; còn người nào dám ăn năn, từ bỏ chính mình là người Thánh.”
Có thể định nghĩa bao quát: “môn đồ hóa là hàng ngày ăn năn xưng tội và xưng tội cùng nhau; cùng nhau giã từ tội lỗi”.
Sứ đồ Phi-e-rơ khái quát một câu thật đầy đủ ý nghĩa môn đồ hóa là gì:
“Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức cho đức tin mình sự nhân đức, thêm nhân đức sự học thức, thêm học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính lòng nhân từ anh em, thêm cho lòng nhân từ sự kính mến.” IPhi-e-rơ 1:5-7
Các sứ đồ đã môn đồ hóa Hội thánh đầu tiên vô cùng đơn giản, ít tốn kém nhưng vô cùng hiệu quả:
Hàng ngày cùng học lời Chúa chung, cầu nguyện chung, ăn năn xưng tội cùng nhau, ăn uống chung, vui vẻ thật thà như anh em của gia đình đức tin. Họ tin, vâng lời thật nhẹ nhàng; rồi Chúa chữa mọi bịnh tật, Chúa giải quyết mọi nan đề trong cuộc sống; ai ai cũng thấy tin tưởng, thỏa lòng cùng nhau tiến về Ca-na-an.
(Xem thêm câu chuyện minh họa “Thiên lộ lịch trình”)
Các sứ đồ dạy dỗ tín đồ bằng những lá thư trên vỏ cây, bì da, đôi lúc chỉ là những lời giảng dạy rồi truyền khẩu cho nhau. Họ học thuộc lòng như ca dao, tục ngữ. Môn đồ đi trước hướng dẫn tín đồ sau; tất cả cùng nhau học tập: tự môn đồ hóa. Mỗi nhóm, mỗi địa phương hiệp một, thuận hòa như là một nhà, đến nỗi người ngoại gọi môn đồ Chúa là Christan (người của Christ, người của tình yêu).
Xin đừng lầm lẫn môn đồ hóa là tri thức hóa hay chức vụ hóa hoặc chỉ có những người được vào viện thần học, có chức vụ trong Hội thánh mới là môn đồ. Người có khả năng tri thức, hiểu biết nhiều Kinh Thánh, giáo sư Kinh Thánh chưa hẳn đã được tái sinh, chưa chắc trở nên môn đồ. Có chức vụ cao cũng chưa hẳn trở nên môn đồ.
Hội thánh Cô-rinh-tô là bài học cho chúng ta. Người Cô-rinh-tô tưởng giỏi kinh thánh, giảng hay, nói đúng, có tài hùng biện thuyết phục được nhiều người, có nhiều ơn tứ thuộc linh là người thuộc linh, là môn đồ Chúa. Sứ đồ Phao lô đã chấn chỉnh điều này.
“Sự hay biết sinh kiêu căng, còn tình yêu thương làm gương tốt” – ICor 8:1b
“Anh em đã được dư dật về mọi điều ban cho, cả lời nói và sự hiểu biết…. cũng chẳng thiếu một ơn nào” – ICo1:5,7
“Nhưng hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng thể nói với anh em như người thuộc linh, nhưng như với người xác thịt, như với con đỏ trong Đấng Christ vậy” – ICor 3:1