BÀI 7: ĂN NĂN

Bài này thuộc phần 7 của 28 trong loạt bài Nền tảng lẽ thật

Bài 7:

ĂN NĂN

Câu gốc: Mathiơ 4:17

“ Từ lúc đó Chúa Jêsus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì Nước Thiên Đàng đã đến gần”

 

I- TẠI SAO PHẢI ĂN NĂN:

1/ Để nhận được sự cứu rỗi, được sự sống đời đời:

Cánh cửa Thiên Đàng đã mở rộng, nhưng những ai muốn bước vào phải nhận biết mình là một tội nhân và ăn năn tội với Chúa ( Mathiơ 4:17).

2/ Để được sạch tội, được nên thánh:

Khi chúng ta ăn năn thì huyết Chúa Jêsus làm sạch mọi tội cho chúng ta; ấy là nhờ sự thương xót của Chúa , hoàn toàn không phải do sự cố gắng “ ăn chay, nằm đất” của chúng ta mà được sạch tội.

I Giăng 1:7

“ ….và huyết của Đức Chúa Jêsus , Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta

3/ Để không bị rủa sả và hoạn nạn:

 Châm ngôn 29:1

“ Người nào thường bị quở trách, lại cứng cổ mình, sẽ bị bại hoại thình lình, không phương cứu chữa”

Ê-sai 3:11

“ Khốn thay cho kẻ hung ác, ắt mang hoạ! Vì họ sẽ thâu lại việc tự tay mình làm ra.”

 II- ĂN NĂN LÀ GÌ?

Sự nhận biết tội ( sự hối hận) chưa phải là ăn năn. Sự ăn năn thật phải bao gồm các yếu tố sau:

1/ Nhận biết được tội lỗi của mình ( cụ thể tội gì) : thường kèm theo thái độ buồn rầu, đau khổ, khóc lóc, hạ mình, không tự ái khi người khác chỉ tội mình.

2/ Xưng tội ra:  với Chúa và với người mình phạm tội , không hổ thẹn, không đổ tội cho người khác.

3/ Quyết tâm nhờ cậy Chúa để từ bỏ: phải có thái độ gớm ghiếc tội lỗi, dứt khoát muốn từ bỏ nó, tránh xa môi trường cám dỗ khiến có thể tái phạm, và nhờ cậy quyền năng Chúa giúp đắc thắng tội lỗi.

 III- MINH HOẠ KINH THÁNH:

 

Sự PHẠM TỘI và ĂN NĂN

 của người con trai hoang đàng

Luca 15: 11-21

1/ Các bước của sự phạm tội:

a/ Theo ý riêng:  người con trai tự ý đòi chia gia tài        ( câu 12), mặc dù cha mình chưa chết và chưa phải lúc để chia gia tài.

b/ Xa cách cha:  thích đi phương xa ( câu 13a) , thích độc lập, không cần sống trong sự dạy bảo, dẫn dắt của cha nữa.

c/ Phạm tội:  ăn chơi, hoang đàng, tiêu sạch gia tài ( câu 13b) . Khi có tiền của, không gần bên cha dạy bảo, chắc chắn người con phải rơi vào tội lỗi .

d/ Sa bại:  nghèo đói, phải đi chăn heo ( câu 14-16) , bị sa bại cùng cực, đói đến nỗi không có thức ăn của heo mà ăn.

2/ Các bước của sự ăn năn:

a/ Nhận biết tội lỗi của mình:  người con trai bèn tỉnh ngộ ( câu 17-18).

b/ Xưng tội ra:  Cha ôi, tôi đã phạm tội với Trời và với cha , chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa (câu 21)

c/ Quyết tâm trở về với nhà cha và từ bỏ con đường tộilỗi:  người con có thái độ dứt khoát nó bèn đứng dậy mà trở về cùng cha ( câu 20)

 

SỰ CÁM DỖ, PHẠM TỘI và ĂN NĂN

 của Đa-vít.

II Samuên đoạn 11- đoạn 12

 

1/ Những cám dỗ:

        a/ Sự nhàn rỗi, không làm việc:  Đa-vít ở nhà, đi dạo chơi, không ra trận ( 11:1)

b/Hoàn cảnh cám dỗ đến:  tình cờ thấy người nữ đang tắm, rất đẹp ( 11:2).

c/Tư dục dấy lên: sai nàng Bát-sê-ba đến rồi tà dâm cùng nàng ( 11:3-4)

2/ Hậu quả khi phạm tội:

           a/  nàng Bát-sê-ba có thai ( 11:5).

           b/ Dùng mưu kế để chối tội:

– Cho chồng ( U-ri ) về ở với vợ để chối bỏ trách nhiệm bào thai đó (11:8).

–  Bày mưu giết chồng để đoạt vợ ( 11:14-15).

       c/ Tội càng thêm tội:  từ tội tà dâm , thêm tội giết người (11:16-17).

3/ Sự ăn năn thật của Đa-vít:

a/ Bị cáo trách:  tiên tri Na-than đến chỉ tội chính xác ( 12:7 “Vua là người đó”).

     b/ Lòng mềm mại nhận tội: Đa-vít xưng tội ra , không xấu hổ, không tự ái trước quần thần, dân chúng ( 12:13).

     c/ Có biểu hiện của sự ăn năn thật:  Cầu khẩn xưng tội với Chúa, kiêng ăn, khóc lóc, hạ mình, nằm dưới đất 7 ngày tìm cầu ý Chúa ( 12:16-17).

   d/ Cái giá phải trả của sự ăn năn: nhà Đa-vít bị Chúa giáng nhiều tai hoạ:

– Đứa con hoài thai trong tội lỗi phải chết               ( 12:18b “ngày thứ bảy đứa trẻ chết”).

–  Con dấy lên cướp ngôi cha (15:10-12).

–  Anh trai tà dâm với em gái ( 14:14).

–  Con trai tà dâm với  các vợ của cha mình

( 16: 21-22).

    e/ An điển sau khi ăn năn:

– Đa-vít chiến thắng vẻ vang dân Am-môn    ( 12: 29-30).

– Salômôn ra đời được nhiều ơn Chúa ban: khôn ngoan, giàu có, quyền thế, vinh hiển (12: 14-25)….

Kết luận:

Ăn năn là hành động quan trọng, cần phải có thường xuyên hằng ngày của một Cơ Đốc nhân tin kính Chúa.

Ăn năn là chìa khoá để : vào Nước Trời, được thanh tẩy tội lỗi, được nên thánh và được nhiều phước hạnh của Chúa.

 

Mục sư Nguyễn Duy Thắng

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.