Có hệ phái Tin lành bảo thủ nọ; tự nhiên nhiều người đổ dồn về nhóm đông đảo khác thường. Ban chấp sự lấy làm lạ và đi tìm nguyên nhân. Sau thời gian tìm hiểu, nhất là quan sát giờ mục sư diễn thuyết; thấy mọi người say mê giấc nồng.
Ông mục sư đầy ơn cùng ban chấp sự dùng một chiêu không đụng hàng: thuê một người bóp lưng cho hai người kế bên; đặc biệt là những đại gia dâng cộm cán Hội thánh. Mỗi lần được 20 đô- la.
Như phản xạ tự nhiên, mục sư thao thao bất tuyệt bài giảng. Phép lạ xảy ra; người được thuê đấm lưng với đại gia hai bên ngã lưng bên nhau, đánh một giất hết biết.
Vị chấp sự đến kiểm tra, đánh thức người được mướn : Ông đã nhận tiền 20 đô-la sao không đấm bóp cho hai đại gia? Ông trả lời: quý ông cho tôi có 20 đô-la; trong lúc hai ông bên cho tôi đến 100 đô-la ; nếu tôi theo ông, tôi bị lỗ.
Có người nói đùa; các ông mục sư truyền thống có một ơn lớn đó là chữa được chứng mất ngủ kinh niên. Hãy vào xem, nhớ mang theo chiếc gối!
I. TUYÊN ĐẠO PHÁP LÀ GÌ?
Tuyên: Nói ra, công bố ra, phát thanh ra
Đạo : Lời Đức Chúa Trời- là Đức Chúa Trời, là chân lý
Pháp : Nghệ thuật chuyển tải sứ điệp, giúp người nghe dễ hiểu, dễ tiếp thu hiệu quả cao nhất .
Người trung Hoa có câu :” Văn dĩ tải đạo”
Tuyên đạo pháp là phương pháp tối ưu để chuyển tải lời Đức Chúa với hiệu quả tốt nhất.
II. TƯƠNG QUAN GIỮA GIẢNG – DẠY- LÀM CHỨNG
1. Thế nào gọi là dạy? (Teacher)
Dạy là trình bày chân lý một cách có hệ thống, mạch lạc, dễ hiểu. Dạy đòi hỏi phải có giáo trình, giáo án gọi là hệ thống thần học. Dạy là một chức vụ của mục sư, hoặc giáo sư hay là người phải được mục sư quản nhiệm mời .
2. Thế nào gọi là giảng? ( preacher)
Giảng là chia sẻ lời Chúa đã qua kinh nghiệm sống của bản thân; kinh thánh gọi là “sữa thiêng liêng của đạo”. Người được ơn giảng, truyền giảng Phúc âm cũng phải được mục sư quản nhiệm chọn lựa.
3. Thế nào là làm chứng?
Làm chứng là thuật lại những gì tai nghe, mắt thấy, tay sờ ở thời gian, không gian chuẩn xác. Làm chứng không phải là chức vụ, mà là đại mạng lịnh phải làm chứng về Chúa cho mọi người được khích lệ hay biết để tin Chúa.
4. Tương quan giữa: giảng – dạy – làm chứng.
Giảng- dạy- làm chứng đều giải bày Chúa cho người khác.
Trong dạy có giảng, có làm chứng
Trong giảng không đòi hỏi như dạy; cũng có lời làm chứng minh họa.
Nhưng trong làm chứng, không được giảng hay dạy, khuyên bảo.
Ngày nay giảng, dạy, làm chứng không phân biệt được. Người làm chứng pha trộn thêm cả giảng lẫn dạy, khuyên nhủ đủ điều. Ăn năn tội mình thì giảng cho một bài ăn năn; làm chứng ơn phước thì thành khoe khoang, kiêu ngạo; làm chứng về sự Chúa dạy dỗ mình thì biến thành lời dạy dỗ, nhắc nhở ,cảnh tỉnh người khác….
III. LÀM SAO ĐỂ CÓ MỘT BÀI GIẢNG ĐƯỢC ƠN
Giảng dạy là một trong 5 chức vụ : sứ đồ- tiên tri- giáo sư- thầy giảng phúc âm và mục sư.
Chức vụ này được Chúa kêu gọi và huấn luyện kỹ càng, nghiêm túc. Không nên giảng những điều cao quá lẽ; những điều chưa hiểu, chưa kinh nghiệm thì đùng đụng đến. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải giảng hết từ sáng thế đến khải huyền.
“ Hãy dạy họ những điều mà Ta đã truyền cho các ngươi”
Một trong những nguyên tắc được ơn, được xức dầu và được hội chúng hăm mộ là diễn giả nghiêm túc chuẩn bị, soạn bài rõ ràng, mạch lạc và có một đời sống ngay thẳng, tin kính và được Chúa xức dầu. Học được gì? Giảng cái đó; có sao nói vậy; đừng làm nghề tuyên huấn triển khai nghị quyết.
Người giảng dạy cần phải tìm hiểu:
1. Xem đối tượng là ai ?
Đây là bước đầu tiên của chức vụ. Vì mình giảng cho người khác nghe; không phải giảng cho mình nghe để thỏa mãn tri thức khôn ngoan của mình. Người Trung Hoa có câu :
“ Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”
Giảng cho người dân tộc thiểu số phải khác người Kinh. Giảng cho người văn minh Âu-Mỹ phải khác với người châu Phi- châu Á. Giảng cho Sinh viên phải khác cho nông dân…. Xác định đối tượng để chuẩn bị đề tài thích hợp, ngôn ngữ, cách giảng thích hợp.
2. Chuẩn bị bài giảng chu đáo:
a. Xác định chủ đề bài giảng :
Chúng ta đã từng bị “tra tấn hành hạ” bởi những diễn giả nói thao thao bất tuyệt ; từ sáng thế đến khải huyền, từ mục lục đến bản đồ. Nói xong chính mình không biết mình nói gì!.
Xác định được chủ đề là thành công một nửa. Chọn chủ đề nên ngắn gọn, súc tích gây ấn tượng, tạo niềm tin, khiến cử tọa dù uống vị đắng cũng không thể ngủ được. Đó cũng là bí quyết của diễn giả nổi tiếng.
b. Lập dàn ý – Bố cục cân đối : 3 phần
Một bài giảng được ơn, luôn phải có 3 phần: Nhập đề- thân bài- kết luận.
– Nhập đề : Giới thiệu chủ đề đã nói phần trên; ngắn gọn, súc tích cô đọng tạo ấn tượng hấp dẫn. Phải làm cho hội chúng chú ý ( không cần uống cà-phê đậm đặc)
Có thể nhập đề theo cách trực khởi hay lung khởi; có thể nhập đề giới thiệu tác giả hay nội dung trọng tâm tác phẩm.
– Thân bài: Nội dung muốn nói
Nội dung phải xoay quanh chủ đề, giới hạn trong chủ đề; không quá 3 ý chính; trong mỗi ý chính có triển khai những ý chi tiết để làm sáng tỏ vấn đề hơn.
Không cần quá giải thích từ ngữ trong câu chữ. Chúng ta giảng sự sống, không giảng văn tự.
Ban đầu, có thể đặt câu hỏi? rồi phân tích nghĩa đen, nghĩa thông thường; xong liên hệ nghĩa thuộc linh, ý nghĩa sự dạy dỗ. Sau đó minh họa, làm chứng mình đã kinh nghiệm điều chính mình đã được học. Cũng có thể làm chứng các nhân vật trong kinh thánh, hay người thật việc thật trong Hội thánh. Cũng có thể cập nhật những người, những sự kiện trong xã hội đang gây ấn tượng.
Để mạnh miệng trong lúc giảng, chúng ta đừng giảng với thế bề trên kẻ cả; nên khiêm nhường nói: chúng ta cùng học. Giảng lời Chúa như sấm truyền, nhưng trong thái độ khiêm nhường , tôn trọng cử tọa.
Minh họa các nhân vật lịch sử: Nên nói cả thành công lẫn thất bại; nêu bật những gì mình học được cụ thể như Phao-lô
“ Anh em hãy học tôi” : cụ thể cả đời sống tin kính- sự thành công chức vụ; cả những yếu đuối gặp phải. Phao-lô quân bình cả hai.
Hội chúng đi nghe giảng đạo là nghe mục sư giảng kinh nghiệm sống của ông và gia đình ông; Hội thánh ông? không phải đi nghe ông đọc kinh thánh; bắt hội chúng đọc kinh thánh như đọc truyện đêm khuya.
Nhiều ông mục sư không chịu suy gẫm lời Chúa để tìm sứ điệp; lại không có kinh nghiệm sống với Chúa; cho nên, để khỏa lấp thời gian trống phải bắt hội chúng đọc thật nhiều câu kinh thánh trong thánh kinh phụ dẫn… Đó là nghệ thuật rao giảng giết thời gian, là liều thuốc phiện ru ngủ hiệu quả nhất.
Trong 3 ý chính đều hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn; giảng và sống quyện vào nhau. Nếu được như thế, bài giảng sinh động ngay; hội chúng vui mừng chăm chú nghe, không cần mướn người đấm bóp. Đó là bí quyết một bài giảng được ơn, bài giảng được xức dầu sinh động.
Điều tối kỵ là đừng dùng lời Chúa để nhắm vào đối tượng nào hết, đừng xỉa xói người khác; đừng dùng hội thánh làm diển đàn đấu tranh bè đảng. Mình phải được Chúa dạy trước khi giảng; cũng đừng “tốt khoe xấu che”, hãy chân thật với chính mình thì bài giảng được xức dầu.
Chúng ta không qua “tai, mắt” của hội chúng đâu! Nếu không ngay thẳn, Chúa không chúc phước, hội chúng lại mỉa mai khinh thường.
– Kết luận:
Kết luận là phần đọng lại; phải súc tích, rút ra bài học gì cụ thể. Phải có phương hướng thay đổi cụ thể. Hội chúng sẽ còn đọng lại một hai vấn đề của bài giảng là đẹp lắm rồi.
Đừng nói chung chung.
c. Thời lượng vừa đủ
Thời lượng vừa đủ cũng là tôn trọng người nghe. Nói dài quá, trong sư phạm gọi là “cháy giáo án”. Người đời mỉa mai: “ Nói dài, nói dai, nói dở là dại “; “ nghe rồi, biết rồi, nói mãi khổ lắm người ơi! “ ; “ tha cho em đi… đừng tra tấn chúng em nữa!”…
3. Nghệ thuật ăn nói trước công chúng
Lời nói rõ chữ, lưu loát, đừng lắp bắp. Đừng nói đều đều như đọc truyện đêm khuya.
Tiếng Việt chúng ta đơn âm, nhưng không đơn điệu; có thi điệu, nhạc điệu như họa mi hót.
Ngôn ngữ nên khiêm nhường; diễn đạt nên truyền cảm: khi trầm lúc bỗng- lên xuống theo ngữ cảnh. Cặp mắt phải nhìn bao quát khắp hội chúng xem có ai ngủ gật không?
Nên dùng đại từ “chúng ta”, hơn là “tôi-tôi”.
Ví dụ: Hôm nay được quý vị cho phép, chúng ta cùng học lời Chúa. Hay chúng ta cùng suy gẫm lời Chúa.
Đừng có lối nói bề trên kẻ cả : “Hôm nay, tôi sẽ dạy cho quý vị một sứ điệp”, hay phải như thế này.. phải thế kia…
Xin nhớ tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa; sự công bình của chúng ta cũng chỉ là áo nhớp mà thôi. Chúng ta là ai mà lên mặt với mọi người!
Khuôn mặt hãy vui tươi, bình an, nhân ái , lạc quan yêu đời; hơi tếu một chút cho đỡ buồn ngủ. Xin đừng đóng vai mặt “hình sự”, “mặt ngầu”; cũng đừng ra vẻ thầy đời, bề trên kẻ cả.
Điệu bộ phải tự nhiên, không đứng quá nghiêm như chào cờ; cũng không quá diển trò múa may quay cuồng như kịch sĩ trên sấn khấu. Cũng đừng vỗ bàn , đập ghế như công an hình sự tra hỏi phạm nhân.
Trong ngôn ngữ, trong điệu bộ luôn thể hiện tôn trọng cử tọa, đó cũng là nghệ thuật đắc nhân tâm
“Tôn trọng người khác hơn chính mình”
4. Nội dung bài giảng: phải tôn cao Chúa – đem đến sự gây dựng
Điều này người rao giảng phải tiên liệu trước. Phải trở nên mọi cách cho mọi người nữa.
Lý thuyết thì đơn giản ; nhưng trong thật tế phải chấp nhận sự đụng chạm; không thể thỏa lòng tất cả mọi người.
Trong thời kỳ bội đạo, một bài giảng được ơn:
Một: bị hội chúng ném đá
Hai : Nhiều người ăn năn.
Một bài giảng được hội chúng vỗ tay, hoan hô không hẳn là được đẹp lòng Chúa đâu! Lại càng không phải bị ném đá là xác thịt! Có nhiều diễn giả vuốt đuôi quần chúng, mỵ dân cũng được tung hô. Phải có cái nhìn thuộc linh mới biền biệt được.
“ Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ Đấng Christ”. Ga la ti 1: 10b
“ Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người , nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi”
I Tesa 2: 4
Trước hết phải đẹp lòng Chúa, sau đẹp lòng mọi người trong sự gây dựng thân thể Chúa: Môn đồ hóa
IV. KỸ NĂNG VÀ SỰ XỨC DẦU
1. Kỹ năng là gì?
Kỹ năng, tài năng, tri thức là do sự luyện tập mà có.
2. Sự xức dầu hay còn gọi người thuộc linh ( spiritual-man) là người được học tập, biến đổi bởi Đức Thánh linh, Ngài đồng công trong lúc giảng dạy.
Kỹ năng, tài năng, chức vụ , ân tứ khác với thuộc linh.
“ Vì chưng anh em đã được dư dật về mọi điều ban cho, cả lời nói và sự hiểu biết… cũng chẳng thiếu một ơn nào” ICor 1:4-7
Nhưng Phao-lô đã quở trách nặng hội thánh Cô-rinh-tô vì họ tạo bè đảng, chia rẽ…
“ Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng nói với anh em như người thuộc linh, nhưng như người xác thịt, như với các con đỏ trong xác thịt vậy” I Cor 3:1.
Chúng ta thường ngộ nhận người giảng hay, giảng hấp dẫn , súc tích dễ hiểu là người thuộc linh, người được xức dầu.
3. Phối hợp kỹ năng và sự xúc dầu:
Giỏi tri thức vừa đầy dẫy Thánh linh đó mới thực sự trọn vẹn.