VIII/ KỶ LUẬT TRONG HỘI THÁNH
Hội thánh không có kỷ luật sẽ trở thành hội chợ, hội tề, hội tục.
Trọng tâm hay sự sống còn của Hội thánh là môn đồ hóa; môn đồ hóa chính là kỷ luật hóa (discipline). Kỷ luật tạo kỷ cương, kỷ cương tạo sức mạnh mang lại phục hưng cho Hội thánh.
Hội thánh thời công vụ sứ đồ là khuôn mẫu của tình yêu, và của kỷ luật. A-na-nia, Sa-phi-ra là tấm gương tiêu biểu cho sức mạnh kỷ luật.
Kỷ luật trong Hội thánh khác với kỷ luật thế gian: mọi lời góp ý, mọi cáo trách, sửa phạt đều với động cơ của tình yêu thương. “Quở trách tỏ tường hơn yêu thương giấu kín”
Hầu hết các Hội thánh Chúa đều né tránh quở trách sửa phạt vì sự mất lòng. Nếu có kỷ luật thì động cơ là trừng phạt, trả thù bởi lợi ích cá nhân hay lợi ích của nhóm hơn là vì yêu thương, muốn cho họ tốt hơn. Tôi có dịp đọc một bản án kỷ luật một nhân sự khi họ từ bỏ một giáo phái. Họ bị lên án như tội hình sự; giấy thông báo kỷ luật không khác gì bản cáo trạng, kiêm bản án kèm theo.
Chúa cho Hội thánh có uy quyền dứt phép thông công. “Nếu ngươi buộc dưới đất thì ta sẽ buộc trên trời; nếu các con mở dưới đất thì Ta cũng sẽ mở trên trời ( Mat 18: 18). Hội thánh chính là cơ quan hành pháp (hoàn tất cáo trạng); Chúa (Kinh thánh) là cơ quan lập pháp và tư pháp (buộc tội và tuyên án).
Dứt phép thông công không phải tuyệt thông, mất sự cứu rỗi như Công giáo la-mã suy diễn. Dứt phép thông công là hạn chế, hoặc ngưng giao tiếp một thời gian, mong người phạm tội có cơ hội ăn năn trở lại bình thường. Dứt phép thông công là ra “cáo trạng” để Chúa “thi hành” kỷ luật.
Môi se cầu nguyện trình dâng các tội phản loạn của dân Y-sơ-ra-en trong đồng vắng và Chúa thi hành.
Phi-e-rơ cáo trách tội A-na-nia, Sa-phi-ra; Chúa hành động.
Phao-lô đòi cầm roi đến Hội thánh Cô-rinh-tô (I Cor 4: 21) ; ông gọi Hội thánh Ga-la-ti là ngu muội (Ga la ti 3:1 )…
Trong tân ước tôi thấy có 7 trường hợp phạm tội, được quyền dứt phép thông công:
1/ Tà giáo: Galati 1: 8-9
“ Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời, truyền cho anh em một Tin lành nào khác với Tin lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them!
(Tuy nhiên, một số người hiểu sai nghĩa “Tin lành nào khác”. Họ xem các Hội thánh tư gia không theo hệ thống CMA là “ Tin lành khác” đáng A-na-them!
2/ Không kính mến Chúa: chai lì, không làm theo Lời Chuá, không chịu từ bỏ con người cũ, cứ mài miệt sống trong tội lỗi, xác thịt :
I Cor 16:22 “ Ví bằng có ai không kính mến Chúa, thì phải bị a-na-them…”
3/ Tính tình xấu xa: gian dâm, tham lam, thờ hình tượng, chưởi rủa, say sưa, lường gạt : I Cor 5: 11-13
“Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc lường gạt, cũng không nên ăn chung với người thể ấy”
4/ Ăn ở bậy bạ: lười biếng, thích ăn dưng, không chịu làm việc : II Têsa 3:6-15
Hỡi anh em, nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, chúng tôi khuyên anh em phải lánh người anh em nào không biết tu đức hạnh mình, và không bước theo các điều dạy dỗ mà anh em đã nhận lãnh nơi chúng tôi. Chính anh em biết điều mình phải làm để học đòi chúng tôi; vì chúng tôi không có ăn ở sái bậy giữa anh em, chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc để khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết…..Khi chúng tôi ở cùng anh em cũng đã rao bảo cho anh em rằng: nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa. Vả, chúng tôi nghe trong anh em có kẻ ăn ở bậy bạ, chẳng hề làm lụng, trở chăm những sự vô ích thôi. Chúng tôi nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ bảo và khuyên những kẻ đó phải yên lặng mà làm việc, hầu cho ăn bánh của mình làm ra….Ví bằng có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thơ nầy, thì hãy ghi lấy, chớ giao thông với họ, hầu cho họ nhân đó biết xấu hổ…..”
5/ Lập bè đảng, chia rẽ: Roma 16: 17-20
“ Hỡi anh em, tôi khuyên anh coi chừng kẻ gây nên bè đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi. Vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà”
6/ Luân lý bại hoại: II Timo 3:1-5
“Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi “
7/ Cố chấp ,cứng lòng, không ăn năn
Mathiô 18: 15-17
“ Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng cùng Hội thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội thánh, thì hãy coi như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy”
Các bước luận tội : 3 bước
Đó là 7 trường hợp Kinh thánh cho phép Hội thánh địa phương được kỷ luật. Nhưng trước khi công bố kỷ luật, ra cáo trạng, Hội thánh cũng phải tiến hành luận tội theo trình tự Ma-thi-ơ đoạn 18 : 15-18
- Bước thứ nhất:
“ Nếu anh em phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có với một mình người” (câu 15)
Trước khi đến nói phải cầu nguyện, mong anh em mình mở lòng ăn năn, muốn anh em mình tốt hơn.
Không phải đến nói để chỉ tội cho sướng bản ngã, có cơ hội trả thù.
- Bước thứ hai:
“ Nếu người không nghe, hãy mời một hay hai người đi với ngươi, hầu hai, ba người làm chứng, để mọi việc được chắc chắn” (câu 16)
Phải mời người thuộc linh, người có ơn giải hòa. Không phải chọn người có mối cựu thù để cùng một phe đến tố cáo tội lỗi; làm cho đủ thủ tục luận tội (bức cung).
- Bước thứ ba:
“ Nếu người không khứng nghe, thì hãy cáo trách cùng Hội thánh, và coi họ như kẻ ngoại, người thâu thuế” (câu 17)
Thời gian cho cả ba bước tối thiểu phải một năm. Trong một năm đó Hội thánh phải cầu thay cho họ trong sự cưu mang, yêu thương, quặn thắt, mong họ ăn năn, từ bỏ tội lỗi.
Dĩ nhiên Chúa đồng công với Hội thánh khi Hội thánh đó đi đúng đường lối Chúa. Nhiều hệ phái ngày nay, ứng dụng dứt phép thông công, ra văn bản ngưng chức, đuổi khỏi giáo hội; nhưng Chúa không trói hay mở theo yêu cầu của giáo hội, thậm chí ngược trở lại. Họ đã dứt phép thông công người của Chúa, như các vua giết những tiên tri của Đức Chúa Trời; Giáo Hoàng tuyên án tử hình Martin-luther. CM&A cách chức Mục sư Tứ, Mai, Lạc… Chúa không binh CM&A mà lại xức dầu cho các Mục sư bị nạn.
Cũng nói thêm, các trường hợp kỷ luật trên chỉ áp dụng cho các con cái Chúa trong Hội thánh địa phương.
Đặc biệt, đối với Mục sư Quản Nhiệm Hội thánh, nếu có phạm tội thì phải cầu thay bền đổ, góp ý, nhưng không được kỷ luật mà hãy để Chúa kỷ luật họ (Đa vít không thể kỷ luật vua Sau lơ, con không thể kỷ luật cha, tín đồ không thể kỷ luật Mục sư là cha thuộc linh của mình). Nếu có bất mãn, bất tín nhiệm Mục sư Quản nhiệm của mình vì cớ tội lỗi, chúng ta có thể không sinh hoạt trong Hội thánh đó nữa, nhưng không được sỉ nhục, chà đạp, xúc phạm họ.
Có câu chuyện một Mục sư tại một địa phương nọ, phạm tội tà dâm với tín đồ. Thế là các Hội thánh địa phương khác thay nhau đến cáo trách, lên án, sỉ nhục thậm tệ. Tuần sau lập một phiên tòa xét xử, rồi tuyên án vô hiệu hóa chức Mục sư và dứt phép thông công với anh em.
Hậu quả, người đó không ăn năn được, gia đình: vợ, con lại tan nát; thế gian chê cười…
Chúa kêu gọi người đó làm Mục sư chăn bầy, Chúa chịu trách nhiệm cuộc đời họ. Hội thánh chỉ được quyền cáo trách tội lỗi, nhưng không có quyền cách chức, hay dứt phép thông công Mục sư. Ví dụ: Bố tôi phạm tội trọng, chúng tôi họp các con vô hiệu hóa cha tôi, đuổi cha tôi ra khỏi nhà!
Trong Hội thánh tôi, không thiếu tội tà dâm ngoại tình. Chúng tôi kêu gọi họ ăn năn trước Chúa và Trưởng lão; không bảo họ ăn năn tội này trước Hội thánh, vì không đem lại sự gây dựng, mà mang lại sự vấp phạm.
Mục đích của sự ăn năn là đem lại sự gây dựng cho chính bản thân họ và cả Hội thánh.
Có một Mục sư rất được Hội thánh tôn trọng, một hôm ông khai trước Hội thánh đã ”ăn cơm trước kẻng với vợ mình”. Cả Hội thánh vấp phạm, có người không còn tôn trọng Mục sư nữa. Có những tội không cần phải ăn năn trước Hội thánh. Nói như vua Đa-vít “Tôi chỉ phạm tội với Chúa thôi”, tôi chỉ ăn năn với Chúa thôi.
Hoi thánh Chúa đứng trên lẽ thật để bảo vệ sự trật tự thuộc linh và thánh khiết