BÌNH AN TRONG THƯỢNG ĐẾ

BÌNH AN TRONG THƯỢNG ĐẾ

 

PHẦN 1: VẤN ĐỀ  TÌM KIẾM

 

Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng”.Giêrêmi 29:13.

Ngay từ khi mới sanh ra bạn đã bắt đầu công cuộc tìm kiếm lớn lao. Có lẽ phải mất nhiều năm bạn mới ý thức được điều đó, mới thấy rõ rằng bạn đang luôn luôn tìm kiếm – tìm kiếm điều bạn chưa từng có – tìm kiếm một điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác trong đời. Đôi khi bạn cố quên điều này và chỉ nghĩ đến những việc khác, dành thì giờ và tâm trí vào công việc hiện tại mà thôi. Cũng có lúc bạn tưởng mình được giải thoát khỏi nhu cầu tìm kiếm điều không tên đó. Đôi lúc bạn hầu như quên lãng cuộc tìm kiếm này để rồi phải nhớ lại – bạn phải luôn luôn quay về với công cuộc tìm kiếm của mình.

Trong những phút cô đơn nhất của cuộc đời, bạn để ý quan sát những người xung quanh và tự hỏi không biết họ có tìm kiếm gì không? – Tìm điều họ không thể diễn tả nhưng biết là rất cần. Vài người tỏ ra sung sướng và không nặng gánh lo âu như bạn. Một số khác dường như đã toại nguyện trong hôn nhân gia đình. Lại có người đã đi khắp đó đây để tìm tiền tài và danh vọng. Có người cứ ở quê nhà mà vẫn thành đạt và khi nhìn họ, có thể bạn nghĩ: “Những người này không cần bận tâm gì về cuộc tìm kiếm lớn lao. Họ đã tìm thấy đường đi của họ rồi. Họ biết họ muốn gì và đã đạt tới đích. Chỉ có ta mới theo một con đường chẳng đưa tới đâu. Chỉ có ta mới thắc mắc, mới tìm kiếm và vấp ngã bên con đường tối tăm và tuyệt vọng không một lối thoát”.

 

Tiếng kêu của nhân loại.

 

Nhưng bạn không cô độc đâu. Toàn thể nhân loại đang cùng đi với bạn vì cũng đang tìm kiếm như bạn. Toàn thể nhân loại đang tìm một lời giải đáp cho tình trạng hỗn loạn, đạo đức suy đồi và thuộc linh trống rỗng đang đè nén thế giới. Toàn thể nhân loại đang kêu gào một sự hướng dẫn, an ủi và bình an.

Có người nói là chúng ta đang sống trong “kỷ nguyên lo âu”. Các sử gia đã chứng minh rằng trong suốt lịch sử nhân loại, không lúc nào con người có nhiều sợ hãi và bất an như ngày nay. Tất cả những gì chúng ta thường nương cậy dường như đã bị cuốn đi. Chúng ta nói chuyện về hòa bình nhưng phải đương đầu với chiến tranh. Chúng ta phác họa những kế hoạch an ninh chu đáo nhưng không thấy an ninh đâu cả. Chúng ta cố bám víu vào bèo bọt hoa trôi , nhưng cho dù nắm được, bọt bèo cũng biến mất.

Từ bao thế hệ, chúng ta đã chạy như bị ma đuổi từ ngõ cụt này qua ngõ cụt khác. Mỗi lần, chúng ta đều tự nhủ: “Đường này đúng đây, chắc sẽ đưa chúng ta đến nơi đến chốn”. Nhưng lần nào chúng ta cũng lầm.

Nẻo đường tự do của chính trị.

Một trong những đường lối trước tiên chúng ta chọn ấy là “tự do chính trị”. Chúng ta nghĩ nếu con người được tự do chính trị thì thế giới sẽ hạnh phúc. Chúng ta chọn lấy những nhà lãnh đạo chính phủ, rồi chúng ta sẽ có một chính phủ làm cho cuộc đời đáng sống. Kết quả là chúng ta đã đạt được tự do chính trị nhưng không sao thực hiện được một thế giới tốt đẹp hơn. Hằng ngày báo chí tường thuật những vụ tham nhũng ở cấp bậc lãnh đạo, sự thiên vị, lợi dụng và giả nhân giả nghĩa chẳng những không kém đi, mà đôi khi còn vượt xa sự chuyên chế của vua chúa ngày xưa. Tự do chính trị là một điều quý báu và quan trọng nhưng không đủ đem lại cho chúng ta thế giới mà chúng ta ao ước.

 

Có một đường lối khác đầy hứa hẹn được nhiều người hoàn toàn tin tưởng có tên là con đường “giáo dục”. Họ cho rằng tự do chính trị đi đôi với một nền giáo dục sẽ giải quyết được vấn đề, và tất cả chúng ta, chạy như điên trên con đường giáo dục. Trong một thời gian dài, con đường này có vẻ sáng sủa, và chúng ta hăm hở bước đi đầy hi vọng; nhưng nó đã đưa chúng ta đến đâu? Quý vị đã thừa biết câu trả lời. Chúng ta là những người hiểu biết nhất trong lịch sử văn minh – và cũng là những người khốn khổ nhất. Các học sinh trung học của chúng ta biết nhiều về những định luật vật lý của vũ trụ hơn cả nhà khoa học tài ba nhất trong thời Aristotle. Nhưng dù đầu óc chúng ta đầy ắp kiến thức, con tim chúng ta vẫn trống rỗng.

Đường lối sáng sủa và hấp dẫn nhất là con đường mang tên “mức sống cao hơn”. Hầu hết mọi người đều cho rằng có thể trông mong con đường này đưa mình vào thế giới tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Con đường được xem như chắc chắn nhất. Đó là con đường “nhấn nút thì có ngay”, đầy những quảng cáo lộng lẫy màu sắc trong các tạp chí, những xe hơi đời mới bóng nhoáng, những hàng dài tủ lạnh và máy giặt tự động, những con gà giò ngon lành trong những lò nướng tối tân. Lần này thì nhất định chúng ta trúng số độc đắc. Những con đường kia có thể sai lầm, nhưng con đường này thì chắc đúng rồi!

Vâng, quý vị hãy nhìn quanh xem sao. Ngay chính giờ phút này của lịch sử, tại một vài quốc gia, tự do chính trị đã tiến đến một trình độ mà các quốc gia khác của thế giới văn minh chưa thể hiện được. Một vài quốc gia đã có một hệ thống giáo dục phổ cập tiến bộ nhất, và các quốc gia đó được trong và ngoài nước ca ngợi về mức sống cao của họ. Chúng ta dùng từ “lối sống văn minh” để chỉ một nền kinh tế hào nhoáng tận dụng điện lực và máy tự động. Lối sống ấy có thực sự làm chúng ta sung sướng không? Có đem đến cho chúng ta niềm vui và lẽ sống chúng ta đang tìm kiếm không?

Không. Trong khi chúng ta tự mãn tự kiêu là đã thực hiện được rất nhiều điều mà những thế hệ trước chỉ mơ tưởng; trong khi chúng ta vượt qua các đại dương chỉ mất vài giờ thay vì hàng tháng; trong khi chúng ta đã tìm ra những phương thuốc thần diệu diệt trừ một số bệnh nan y; trong khi chúng ta xây dựng những tòa nhà chọc trời khiến tháp Ba-bên trở thành như một ổ mối; trong khi ngày càng hiểu biết nhiều hơn về những bí mật kỳ diệu dưới đáy biển và thám hiểm không gian càng lúc càng xa, chúng ta có làm vơi đi cảm giác trống rỗng trong lòng chúng ta được mảy may nào không? Tất cả những tiến bộ tối tân kỳ diệu đó có đem lại cho chúng ta một cảm giác mãn nguyện nào không? Có giúp chúng ta giải thích tại sao chúng ta có mặt trên thế gian này; có chỉ cho chúng ta biết những gì chúng ta cần phải học hỏi không?

Hay là cái cảm giác trống rỗng ghê gớm kia vẫn cứ tồn tại? Mọi khám phá mới về sự bao la của vũ trụ có an ủi được bạn không hay chỉ làm cho bạn cảm thấy cô độc và bơ vơ hơn bao giờ hết? Đâu là liều thuốc giải độc đối với sự sợ hãi, thù ghét và hư hoại của con người? Ở ống nghiệm hay viễn vọng kính?

Sự quyến rũ của khoa học.

Chúng ta không chối cãi khoa học đã đem lại nhiều điều mà con người cho rằng mình đang cần. Nhưng cũng chính khoa học đã tặng cho chúng ta món quà kinh khiếp nhất. Đời sống và tương lai của mỗi sinh vật trên hành tinh này đều bị đe dọa bởi món quà khoa học đó. Nó sừng sững như bóng tối đằng sau những tư tưởng cảnh giác của chúng ta, lù lù như con ma ghê gớm ám ảnh giấc mơ con em chúng ta. Không muốn nghĩ đến nó, chúng ta cố cho rằng chúng ta chưa hề nhận được món quà đó, rằng đó chỉ là chuyện bịa, và một buổi sáng kia khi thức dậy chúng ta thấy rằng bom khinh khí thật sự chưa được phát minh và bom nguyên tử không bao giờ có. Nhưng các nhật báo cho chúng ta biết ngược lại.

Lẽ dĩ nhiên nhiều người đang theo đuổi những con đường khác. Có những con đường của danh vọng và phú quý, lạc thú và quyền uy. Nhưng không có con đường nào đưa chúng ta thoát khỏi sự sa lầy. Chúng ta bị sa vào mạng lưới của chính tư tưởng chúng ta, một cách quá khéo léo, quá trọn vẹn đến nỗi không còn trông thấy căn nguyên hay phương thuốc chữa trị chứng bệnh đã làm chúng ta thống khổ.

Nếu quả thật bệnh nào thuốc ấy thì chúng ta phải mau mau tìm thuốc. Thì giờ như tên bay và nếu có con đường nào đưa đến ánh sáng, nếu có lối nào tìm về đời sống thuộc linh lành mạnh, chúng ta không được phép chậm trễ một phút giây.

 

Đi tìm các giải pháp.

 

Trong cơn khủng hoảng này, có nhiều người đang vùng vẫy, nhưng càng giãy giụa, họ càng thấy các cố gắng không nâng họ lên mà chỉ dìm họ chìm sâu xuống. Trong những năm 80 tỷ lệ tự sát đã theo tốc độ của hỏa tiễn. Với trẻ em từ 10-14 tuổi, mỗi năm mức độ tự sát đã tăng gấp ba lần. Tạp chí ‘Lãnh đạo’ (Leadership) ước lượng hằng năm khoảng nửa triệu người muốn tự tử – và 50.000 người đã thành công. Trong năm 1981, số người chết vì tự tử nhiều hơn số người bị giết.

Năm ngoái, hàng ngàn người Mỹ – mà phần đông là thanh thiếu niên – vì không tìm được cả những câu giải đáp sai lầm, nên đành chọn việc đi lang thang vào sâu hơn trong khu rừng nhân tạo mà chúng ta gọi là nền văn minh.

Trong hơn hai thập kỷ qua tốc độ ly dị đã leo thang, cứ hai hôn lễ được kết thúc bằng một vụ ly dị. Từ năm 1900 đến nay, tỷ lệ ly dị đã tăng 100 phần trăm!

Chúng ta thì tiêu cả gia tài để “nhận nuôi” những búp bê bằng vải nhồi bông, trong khi con cái chúng ta lại sa vào tệ nạn lạm dụng trẻ con hay chịu đựng sự tàn nhẫn khủng khiếp của việc dùng con nít cho các phim ảnh khiêu dâm. Chúng ta nghe nói về chuyện phá thai, thuê người làm mẹ, ngân hàng tinh dịch và v.v… Các gia đình của chúng ta đang gặp những câu đố nát óc thuộc đủ loại lạm dụng và thác loạn.

Vậy bạn sẽ hỏi: “Chúng ta đang ở đâu? Bây giờ chúng ta đang ở trong tình trạng nào và đang đi về đâu?” Tôi xin nói để bạn biết chúng ta ở đâu và chúng ta là ai. Chúng ta là những người đầu óc đầy ắp kiến thức, nhưng tâm hồn trống rỗng.

Chúng ta than phiền thanh niên ngày nay đã lạc hướng, mất hào hứng, thiếu thiện chí làm việc và tiến bộ. Mỗi ngày, tôi nghe phụ huynh than van không biết con em họ làm sao ấy! Chúng không muốn cố gắng mà chỉ muốn cái gì có sẵn. Phụ huynh không ý thức rằng con cái mình được giáo dục đầy đủ và được nuôi dưỡng chu đáo nhưng thật sự tâm hồn chúng trống rỗng. Chúng không được thấm nhuần tinh thần xem công việc là một niềm vui. Chúng không có quyết tâm xem tiến bộ là một lạc thú. Tại sao chúng lại trống rỗng như vậy? Chính vì chúng không biết mình từ đâu đến, tại sao ở đây hoặc đang đi về đâu?

Thanh niên ngày nay cần được hướng dẫn để có một cái nhìn thông suốt vào tương lai. Họ đang tìm những mẫu người để noi theo, tìm những khuôn mẫu nhằm vào một chủ đích.

Chúng giống như những chiếc xe hơi mới mẻ lộng lẫy, chế tạo tinh vi, nhưng trong bình không có xăng, bề ngoài hào nhoáng nhưng bên trong chẳng có năng lực và chúng ở không như thế cho đến lúc bị rỉ sét vì buồn chán.

Bầu không khí buồn chán.

 

Số người buồn chán hiện nay trên thế giới có lẽ nhiều hơn bất cứ lúc nào khác. Chúng ta biết thế và chúng ta có quá nhiều trò vui. Dân chúng trống rỗng đến nỗi không thể tự giải khuây. Họ phải mướn người khác làm cho họ vui, chọc cho họ cười, gây cho họ cảm giác được ấm cúng, hạnh phúc và dễ chịu trong giây phút để quên đi cảm giác trống rỗng ghê rợn của sự lạc lõng và cô độc.

Bạn có thể cho rằng buồn chán là một vấn đề nhỏ nhặt. Ai cũng có lúc buồn chán và đó là điều tự nhiên. Nhưng tôi xin kể lại bạn nghe vài điều về sự buồn chán. Một sự kiện nguy hiểm đang xâm chiếm tâm trí mọi người. Trong số các tạo phẩm của Thượng Đế, con người là vật thọ tạo duy nhất biết buồn chán mặc dù trong sở thú chúng ta thường thấy những con vật trông có vẻ rất buồn! Ngoài con người, không có sinh vật nào biết buồn chán với chính mình hoặc với ngoại cảnh. Điều này rất quan trọng vì Tạo Hóa chẳng bao giờ làm việc gì không có mục đích và nếu Ngài làm cho con người biết buồn chán cũng chính vì có một mục đích.

Buồn chán là một trong những phương cách chắc chắn nhất để đo lường sự trống rỗng nội tâm của bạn! Nó đo thực trạng trống rỗng ấy chính xác như một hàn thử biểu. Người chán nản sinh hoạt trong một khoảng chân không. Nội tâm họ là một khoảng chân không và thiên nhiên luôn luôn chống lại chân không. Một trong những định luật bất dịch của vũ trụ là tất cả những khoảng chân không phải được lấp đầy và lấp đầy ngay.

Những con người trống rỗng.

Chúng ta không cần trở lại thời xưa mới biết được những gì đã xảy ra cho một quốc gia của những người có tâm hồn trống rỗng. Chúng ta không cần nhìn xa hơn lịch sử cận đại của các nước Đức, Ý và Nga mới thấy được tốc độ kinh khủng của thiên nhiên lấp bằng những khoảng chân không nội tâm đó. Những chủ nghĩa chính trị sai lầm tràn ngập cách dễ dàng tâm trí những người có trạng thái trống rỗng. Nhưng những chủ nghĩa đó không có chỗ đứng trong tâm hồn một người đầy dẫy Thánh Linh của Thượng Đế. Thiên nhiên ghét sự trống không, nhưng chính cá nhân chúng ta phải tự định đoạt xem nên lấy gì lấp đầy khoảng chân không trong nội tâm chúng ta.

Ngày nay chúng ta đang sống trong tình trạng của những người có tâm hồn trống rỗng. Chúng ta tưởng mình sống đầy đủ bằng các tiện nghi khoa học và giáo dục, với một đời sống cao đẹp, nhiều lạc thú hơn nhiều điều cần thiết khác nữa, nhưng rốt cuộc tâm hồn của chúng ta vẫn trống rỗng. Tại sao tâm hồn chúng ta trống rỗng như thế? Vì Đấng Sáng Tạo đã dựng nên chúng ta cho chính Ngài; chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy sự trọn vẹn và đầy đủ nếu cứ ở ngoài Ngài.

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây trên tờ Nhật báo ‘Trưởng lão’ (Presbyterian Journal, số ngày 2 tháng 11, 1983), nhà báo Công giáo lừng danh Michael Novak nói về tình trạng của chúng ta như sau: “Xã hội chủ nghĩa là một hệ thống dành cho các thánh nhơn… Chủ nghĩa dân chủ tư bản… là một hệ thống dành cho các tội nhơn”. Chính vì lý do ấy mà ông nhận thấy rằng xã hội chủ nghĩa chẳng làm gì được cho thế giới này.

Chúa Giê-xu phán: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm, nhờ bánh!” (Luca 4:4), nhưng chúng ta không lưu tâm đến lời Ngài. Chúng ta cứ tiếp tục ngấu nghiến đủ các loại thức ăn cho thỏa thích đến nỗi mang bệnh.

Chúng ta không thể chịu đựng sự trống rỗng ghê gớm của chính chúng ta, cũng không thể nhìn con đường vắng vẻ điêu tàn trước mặt. Chúng ta mệt mỏi tuyệt vọng vì hờn ghét, tham muốn, đam mê mà chúng ta biết đầy dẫy trong chúng ta, nhưng không có cách nào loại bỏ để thay vào những thứ tốt hơn.

Thời gian là trọng yếu. Các công cụ hủy diệt toàn cầu nằm trong tầm tay chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục đi mãi trên những con đường lầm lạc nữa, không thể mạo hiểm trong những con đường xa lạ nữa, và cũng không thể đi lạc vào những ngõ cụt nào khác. Chúng ta không còn có thì giờ để làm điều đó! Vì thế hệ chúng ta đã thực hiện xong những gì các thế hệ trước chỉ mới cố gắng hoặc mơ ước thực hiện trong những lúc cuồng nhiệt của bạo quyền. Chúng ta đã hoàn thành một vũ khí hủy diệt toàn thể. Chúng ta đang chứng kiến sự điên cuồng cực điểm của con người. Trận chiến tranh hạt nhân thiêu hủy tất cả đang lơ lửng trên đầu chúng ta!

 

Ma quỉ hẳn thích thú cười khi một số người thông minh nhất trên thế giới này đã say mê làm việc trong nhiều năm đặng hoàn thành điều kinh khiếp đó! Phá vỡ nguyên tử! Phân chia và chinh phục! Tách rời, phá hủy, đập nát, chà đạp, nghiền vụn! Ma quỉ đã làm xong công việc của nó với bàn tay hăm hở của con người. Chúng ta thấy trước mắt kiệt tác của Sa-tan; sự quỷ quyệt của nó khi bắt chước những lưỡi lửa thiên thượng. Nhưng hai đàng vô cùng khác biệt! Đó là sự khác biệt giữa Thiên đàng và Địa ngục!

 

Một thế giới nghịch thường và hỗn độn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới nghịch thường và hỗn độn. Nhưng điều chắc chắn là sự hỗn độn này là một sự hỗn độn có kế hoạch – kế hoạch của Sa-tan. Kinh Thánh nói rằng Sa-tan là kẻ đại bịp, là nguyên nhân của sự tự lừa dối và cũng là nguồn gốc của bao lường gạt giữa các quốc gia. Nó đã làm chúng ta tin rằng mọi sự đều tốt đẹp hơn trong khi thật ra mọi sự đều tồi tệ.

Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng thế giới đã hoàn toàn thay đổi từ đầu thế kỷ này. Chúng ta nhận thức được nhịp độ gia tăng của những thay đổi đó, của tinh thần cách mạng đang quét sạch những tập tục, của tốc độ xáo trộn và thay đổi ngôn ngữ, thời trang, phong tục, gia cư cùng những lề lối sinh hoạt và những cảm nghĩ của chúng ta.

Chỉ mới vài năm gần đây, trẻ con vẫn còn thích ra bến cảng xem tàu cập bến. Ngày nay chúng ta đã chán phi cơ trực thăng và máy bay phản lực. Ngày xưa chúng ta từng ngạc nhiên về phát minh máy điện báo, thì nay lại cho vô tuyến truyền hình là điều tự nhiên. Cách đây không lâu, nhiều bệnh tật của con người bị coi là nan y, ngày nay chúng ta có nhiều thứ thuốc công hiệu chữa được nhiều căn bệnh ngặt nghèo. Không ai còn nghi ngờ gì về những điều chúng ta đã thực hiện.

Nhưng với tất cả những tiến bộ đó, con người vẫn chưa giải quyết được nan đề căn bản của mình. Chúng ta có thể xây những tòa nhà cao nhất, đóng những con tàu chạy nhanh nhất, dựng những cây cầu dài nhất – nhưng vẫn không thể tự cai trị hay cùng chung sống trong bình đẳng và hòa hợp.

Chúng ta có thể thiết lập những trường phái lớn về nghệ thuật và âm nhạc, có thể tìm ra những sinh tố mới và bổ hơn nhưng những âu lo của chúng ta vẫn còn đó. Những khốn khổ này vẫn là các âu lo cố hữu của con người, càng ngày càng lớn hơn và nhiều hơn. Mối ưu tư ấy có thể xuất hiện dưới nhiều hình thái mới. Chúng có thể làm cho chúng ta đau đớn và lo buồn nhiều hơn; nhưng tựu trung chúng ta vẫn đang đối diện với những sự cám dỗ và thử thách mà loài người luôn phải đương đầu.

Sau phút bi thảm trong vườn Ê-đen (còn gọi là vườn địa – đàng, chỗ ở ban đầu của thủy tổ loài người) khi đã chối bỏ ý Chúa để hành động theo ý riêng, con người bị ray rứt bởi những âu lo tương tự. Nguyên nhân của những vấn đề này đã được trình bày trong các chương đầu của sách Sáng thế ký (sách đầu tiên trong Kinh Thánh). Những hoàn cảnh ghê gớm tạo ra các vấn đề này đã được trình bày trong chương đầu của sách La-mã (thư tín của Phao-lô gởi cho người La-mã). Và Phúc Âm của Chúa cứu thế Giê-xu ban cho chúng ta phương cách trị liệu.

Chính bản chất hư hoại và tội lỗi của con người đã khiến con người tràn đầy hận thù, đố kỵ, tham lam và ghen ghét. Sự rủa sả tội lỗi giáng trên thể xác nên con người luôn luôn bị sự chết ám ảnh. Tài năng của con người có thể biến đổi tất cả, ngoại trừ chính mình. Dù lớn tiếng cho mình là văn minh tiến bộ, con người vẫn ở trong trạng thái ban sơ.

 

Tội lỗi vẫn y nguyên.

 

Chính tội lỗi không thay đổi, dù con người có cố gắng hết sức để biến cải nó. Chúng ta đã cố khoác cho nó những danh từ mỹ miều. Chúng ta đã dán những nhãn hiệu mới lên chai thuốc độc cũ. Chúng ta đã cố quét vôi trắng lên ngôi nhà cũ và cho đó là nhà mới.

Chúng ta đã tìm cách gọi tội lỗi là “sai lầm”, là “vấp váp” hay “thiếu nhận xét”. Nhưng tội lỗi vẫn là tội lỗi. Dù cố xoa dịu lương tâm, chúng ta vẫn biết con người là tội nhân; và hậu quả của tội lỗi vẫn là bệnh tật, chán chường, bất mãn, tuyệt vọng và chết chóc.

Sự buồn rầu cũng chẳng thay đổi. Sự buồn rầu bắt đầu từ khi A-đam và Ê-va (tổ loài người) nhìn cái xác không hồn của con mình là A-bên bị giết cách thê thảm. Từ đó sự buồn rầu đã trở thành từ ngữ phổ thông của con người. Không ai thoát khỏi nó, và mọi người đều biết nó. Đến nỗi các bạn đến an ủi Gióp (người được Kinh Thánh mô tả là rất trọn vẹn và ngay thẳng) đã coi sự buồn rầu như là một mục đích của đời sống. Họ đã nói: “Nhưng loài người sinh ra để bị khốn khó, như lằn lửa bay chớp lên không” (Gióp 5:7).

Sự chết vẫn thế. Con người đã cố gắng thay đổi bộ mặt của nó. Chúng ta đã thay đổi danh từ “phu chôn xác” bằng “đạo tỳ”. Chúng ta để xác chết vào “quan tài” thay vì cho vào “hòm”. Chúng ta có “nhà vĩnh biệt” thay vì “nhà xác” và “nghĩa trang” thay vì “gò mả”. Chúng ta cố giảm bớt sự đau buồn của tang lễ. Nhưng cho dù chúng ta có thay đổi danh từ hoặc bày đặt nghi thức đi nữa, thực tế lạnh lùng và tàn nhẫn của sự chết vẫn không thay đổi trong suốt lịch sử loài người. Một người bạn đang chiến đấu với bịnh ung thư vào thời kỳ cuối cùng, gần đây đã thư cho tôi: “Tôi chợt hiểu không phải là giai đoạn cuối cùng bệnh ung thư nhưng là giai đoạn cuối cùng của đời sống!”

Đời sống thực sự của con người gồm ba sự kiện: quá khứ đầy dẫy tội lỗi; hiện tại tràn ngập khổ đau và tương lai sự chết đang chờ đợi.

Kinh Thánh dạy: “Như đã định, mỗi người chỉ chết một lần” (Heb 9:27), đối với người thường, tư tưởng này dường như sống sượng và tuyệt vọng. Trong nỗ lực tránh né Lời Chúa, con người đã xây dựng hàng chục hàng trăm triết lý và tôn giáo. Nhiều nhà triết học và tâm lý học ngày nay vẫn còn cố tìm cách tạo ra cảm tưởng cho rằng con đường của Chúa Giê-xu không phải là con đường duy nhất. Nhưng hễ ai đã thử đi tất cả những con đường khác đều thấy chúng không đưa đến đâu cả mà chỉ dẫn tới vực sâu.

Chúa Cứu Thế đến để đem lại cho chúng ta lời giải đáp đối với ba vấn đề: tội lỗi, buồn rầu và chết chóc. Chính Chúa Cứu Thế Giê-xu và chỉ một mình Ngài là Đấng thủy chung không hề thay đổi “hôm qua, ngày nay và cho đến muôn đời” (Heb13:8). Như Henry F. Lyte, tác giả một bài thánh ca, đã viết: “Tôi thấy sự đổi thay và hư nát vây quanh; còn Ngài, Đấng bất biến vẫn ở với tôi.”

Tất cả mọi sự đều có thể thay đổi, nhưng Chúa Cứu Thế không hề thay đổi. Chúa Cứu Thế đứng vững và bình tĩnh trong biển cả đam mê cuồng loạn của con người. Ngài vẫn sẵn sàng đón nhận, ban phước hạnh cùng bình an cho những ai sớm quay về với Ngài. Chúng ta đang sống trong thời ân điển tức thời kỳ Thượng Đế hứa là bất cứ ai muốn cũng có thể đến đón nhận Con Ngài. Nhưng thời kỳ này sẽ không tiếp diễn mãi mãi. Chính lúc này chúng ta cũng đang sống tạm bợ mà thôi.

Billy Braham

Biên tập viên

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.