Kinh Thánh nói gì về việc tiếp tục phạm tội sau khi đã ăn năn?

Hối hận – Ăn năn – Tan vỡ

Hối hận – Ăn năn – Tan vỡ là công việc hàng ngày của mỗi Cơ Đốc Nhân chân chính. Mỗi ngày chúng ta phạm tội với Chúa, với nhau nhiều lần, nhiều cách. Một trong những ân huệ phước hạnh quan trọng chỉ có trong Chúa Jesus là ơn tha thứ cho bất cứ ai, bất cứ lúc nào thành thật xưng tội và từ bỏ.

Hối hận – Ăn năn – Tan vỡ là ba bước của môn đồ hóa; nó quyết định số phận chúng ta, là những người tin khi gặp mặt Chúa tại không trung.

Có một anh em tín hữu ngoan đạo tâm sự rất chân tình:

“Lần đầu tôi ăn cắp cây bút của bạn; tôi đến nhờ Cha giải tội. Tôi xưng tội chân thành. Linh mục nhân danh Chúa Jesus và huyết vô tội tha cho tôi.

Tháng sau, tôi lại đến xưng tội. Bây giờ tội nặng hơn: Ăn cắp tiền, rồi đánh luôn người phát hiện. Cũng như công thức, Linh mục khuyên răn, giải tội, nhân danh Cha-Con-Thánh Linh tuyên bố tha tội cho tôi.

Tháng kế tiếp; đến hẹn lại lên, tôi lại phạm tội trọng: cướp xe người hàng xóm, đánh gây trọng thương. Gia đình phải thương lượng bồi thường…

Tôi không dám đi xưng tội nữa, và tội tôi mỗi ngày mỗi gia tăng… Tôi đang nghiện ma túy. Cuộc đời tôi xem như chấm dứt… Chúa có thể cứu được tôi không?… Tôi phải ăn ăn như thế nào?…”

Đây không phải là lời tâm sự của một người cá biệt, mà là thực trạng thuộc linh phổ quát cho nhiều hệ phái, tự hào là suy gẫm kinh thánh ngày đêm; thậm chí là người dạy luật, là giáo sư thần học viện, là tổng quản nhiệm đồ sộ nhưng đã và đang miệt mài trong tội lỗi, thậm chí tội trọng: tà dâm, loạn dâm, tham nhũng, cố chấp…

Chúng ta phải nghiêm túc đi sâu vào nguyên nhân nào, và làm cách nào để giải quyết tận bản chất, để sống một đời sống Cơ đốc nhẹ nhàng, vui thỏa. Muốn vậy, chúng ta cần hiểu thấu đáo và phân biệt 3 hành động: hối hận – ăn năn – tan vỡ.

1. Hối hận là gì?

Hối hận hay hối tiếc là một hành động của một trạng thái tâm lý bất thường của tâm hồn con người.

Khi phạm tội, thông thường lương tâm sẽ cáo trách, tâm trí cũng thấy được; khiến mình buồn bã, lo sợ hối tiếc mình đã gây ra tội lỗi.

Hối hận không giải quyết được tội lỗi.

Hối hận chỉ làm giới hạn tội lỗi, hối hận không thể giải quyết tận nguồn gốc gây ra tội lỗi. Hối hận nhiều lần sinh chai lì, nhiều người thất vọng rồi miệt mài trong tội lỗi.

2. Ăn năn là gì và kết quả của sự ăn năn?

Lý thuyết: “Ăn năn là xưng tội cụ thể ra và quyết tâm từ bỏ”.

Nếu chỉ đơn giản như thế, mọi sự bội đạo, tà giáo sẽ không tồn tại. Con cái Chúa và cả sứ đồ Phao-lô không phải nói:

“Tôi muốn làm điều lành, điều dữ lại theo tôi hoài”

“Khốn nạn cho tôi ai cứu tôi ra khỏi thân thể hay chết này…” Rô-ma 7: 19, 24

Cho nên, phải suy gẫm ăn năn đúng như Chúa muốn.

a.Thánh linh cáo trách qua lương tâm

Nếu Thánh Linh không tác động, lương tâm không cáo trách tội phạm cụ thể, chúng ta chỉ cảm xúc tội lỗi, thậm chí xưng tội lung tung, tội tưởng tượng, ăn năn dối.

“ Khi Ngài đến (Đức Thánh Linh) thì sẽ  khiến thế gian tự cáo về tội lỗi… (Giăng 16: 8)

Thánh Linh với lương tâm cáo trách tội lỗi; Chúa thêm sức mạnh để chúng ta mạnh dạn, công khai nhận tội giữa Hội Thánh, hoặc với chính Ngài. Buồn bã, nhưng vui mừng, vì biết chắc tội đã được tha.

Thánh Linh với lương tâm cáo trách tội lỗi, đồng công với tâm hồn:

  • Tâm trí xác nhận hành vi tội lỗi quá chính xác, quá đúng;
  • Tình cảm đồng ý với tâm trí và lương tâm: ghét tội lỗi, muốn xa nó.
  • Ý chí quyết tâm xa lìa nó.

Nếu theo trình tự như thế, chắc chắn rất khó phạm tội lần tiếp theo.

b. Kết quả xứng đáng của ăn năn

Đôi lúc chúng ta biến Chúa thành ông Thần hợp thức hóa tội lỗi, rồi cuối cùng biến thành kẻ cực ác. Phao-lô đã cảnh cáo:

“ …đến nỗi tội lỗi nhân điều răn trở nên cực ác.” ( Rô-ma 7: 13b)

Khi tôi phạm tội ăn cắp, tôi phải đến trả lại vật ăn cắp cho người ta, sau đó phải xin lỗi họ nữa. Phải chấp nhận những gì họ đối xử.

Tôi xúc phạm anh em, tôi phải đến xin lỗi.

Tôi phạm tội đốt nhà người ta, tôi chỉ cần ăn năn với Chúa là đủ sao?! Tôi lấy con gái người ta có bầu, chỉ cần ăn năn với Chúa là đủ sao?!

Tôi phải giải quyết hậu quả nữa. Như Xa-chê khi ăn năn, trở lại với Chúa phải đền bồi gấp tư những gì ông đã tham lam của người.

Đây là lẽ thật trông đơn giản, nhưng không quá dễ dàng.

Ví dụ một ông mục sư nọ, đã lỡ tham nhũng hàng triệu đô; đã tậu mấy nhà, con cái đi du học Tây – Mỹ. Bây giờ phải trả lại cho Chúa, còn phải công khai xưng tội… Ôi, thật là quá khó! Làm sao ăn năn nổi!

Giăng Báp-tít đã thấy bản chất bọn Pha-ri-si, thầy tế lễ nên ông đã cáo trách:

“Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn… Bây giờ các búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, thì sẽ phải đốn và chụm” –  Ma-thi-ơ 3:8,10

3. Tan vỡ

Tan vỡ là đỉnh cao của sự ăn năn. Tan vỡ đồng nghĩa với đóng đinh, báp tem bằng lửa.

Ăn năn chỉ giải quyết cái ngọn; tan vỡ giải quyết tận gốc rễ của bản ngã.

Chúa dùng hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã để con người thật chúng ta hiện nguyên hình. Chúng ta không thể dùng ý chí; đức tin trông cậy thông thường để giải quyết nan đề. Ví dụ:

Phi-e-rơ cùng các sứ đồ ngủ gục và chối Chúa trong vườn Ghết-sê-ma-nê.

Dân Y-sơ-ra-en lằm bằm, oán trách Chúa trong đồng vắng.

Áp-ra-ham gần 100 tuổi vẫn chưa nhận được lời hứa…

Đây là đỉnh cao của niềm tin trông cậy; trông cậy những điều không còn cậy trông, cậy trông trong vô vọng.

Chúa sẽ giải cứu khi chúng ta nhận thức được con người quá tệ hại của mình và thành thật nói với Ngài: “Chúa ơi! con chỉ là loài xác thịt yếu đuối, con chỉ làm được điều mình ghét; con đang làm điều nghịch với ý chí con, nghịch niềm tin con. Con không biết điều mình đang làm, kỳ cục quá Chúa ơi! Sao lại như thế Chúa?!…”

Các môn đồ khi gặp bão, họ nỗ lực tự cứu; mặc Chúa nằm sau thuyền. Họ có lòng tốt, muốn để Chúa ngủ yên. Họ tưởng Chúa chỉ giỏi làm thợ mộc, Chúa giỏi truyền giáo; Chúa đâu kinh nghiệm đi biển…

Chúng ta cũng vậy, phải nỗ lực cho đến khi bất lực, ăn cám heo bả đậu mới thật sự tan vỡ quay trở về nhà Cha…

Tóm lại :

  • Hối hận là bước thứ nhất, lương tâm cáo trách tội lỗi thông thường.
  • Ăn năn là bước tiếp theo nhờ Thánh Linh tác động với tâm hồn.
  • Tan vỡ là đỉnh cao của ăn năn. Khi ý chí và cả niềm tin đều thất bại; chỉ kêu lên: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa chúng ta.”  – Rô ma 7: 24-25

Ngài sẽ đến đúng lúc!

Ngày 14/10/15

Mục sư Nguyễn Duy Thắng

Mục sư Nguyễn Duy Thắng

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.