Lời Rhema – 8 Phương Cách Nhận Lời Rhema

Bài này thuộc phần 2 của 3 trong loạt bài Lời Rhema

Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan, Ngài dùng nhiều phương cách bày tỏ Rhema Ngài cho con cái Ngài. Từ Cựu Ước đến Tân Ước, lời Rhema như sợi chỉ đỏ xuyên suốt.

“Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến ngày sau rốt, Ngài dạy chúng ta bởi chính con Ngài” Hê 1:1-2

Đức Chúa Trời thường phán qua 8 cách phổ thông:

Cách thứ 1: Chúa phán trực tiếp

Cựu ước Ngài thường phán trực tiếp hay qua thumim-urim

“Ngươi hãy ra khỏi quê hương và bà con ngươi mà đi đến xứ mà Ta chỉ cho.. Rồi Ap-ra-ham đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạySa 12:1,4

“Từ giữa trận gió lốc… Đức-Giê-hô-va phán cùng Gióp rằng….” Gióp 40:1

Tân ước Ngài cũng thường phán trực tiếp với môn đồ:

“Hỡi sau-lơ, Sau-lơ: sao ngươi bắt bớ Ta…” Cv 9:4

“Lại có tiếng phán cùng người rằng: Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn…” Cv 10:13

Ngày nay Chúa cũng còn phán cách này cho ai khao khát kêu cầu danh Ngài. Rất rất nhiều người, nhiều thế hệ nhận lời phán trưc tiếp lời Rhema. Xin đừng hạn chế Ngài.

Cũng đừng lạm dụng, tưởng tượng lúc nào cũng nghe tiếng Chúa. Lời Rhema trực tiếp hơi khó nhận,.

Cách thứ 2. Phán qua Kinh Thánh (Logos)

Kinh thánh là lời Chúa, đúng. Nhưng kinh thánh không phải là Chúa, không thể thay Chúa được. Người ta đã vấp phạm kinh thánh và đã sáng tác nhiều tà giáo và loạn giáo. Họ giải kinh, ứng dụng lịch lạc. Phao-lô cũng đã cảnh báo

“Văn tự làm cho chết, Thánh Linh làm cho sống” 2Cor 3:6c

“Kinh thánh như thầy giáo dẫn chúng ta đến Đấng Christ” Galati 3:22

Nếu chúng ta đọc kinh thánh mà không có Thánh Linh xức dầu, dẫn dắt; Kinh Thánh chỉ là giáo điều như điều răn, điều lệ, như lời khuyên đạo đức công dân giáo dục. Kinh thánh sẽ trở nên khô khan mệt mỏi, kinh thánh chỉ còn là bản cáo trạng, chỉ buộc tội  chúng ta. Tin Chúa lâu năm sẽ bỏ Chúa là vậy.

Trong một hoàn cảnh đặc biệt, chúng ta đang sống trong tâm trạng đau buồn thất vọng chán chề muốn bỏ cuộc. Tình cờ, một câu kinh thánh hiện về trong tâm trí, hay đang suy gẫm lời Ngài. Có một năng lực siêu nhiên đến, khiến tâm linh bùng cháy, niềm vui lạ lùng tràng ngập trong lòng. Mọi buồn thảm, thất vọng, nan đề tự nhiên biến mất. Đó chính là Rhema do chínhThánh Linh dùng kinh thánh  để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta. Đây cũng là cách Chúa thường dùng để khích lệ chúng ta phải thường xuyên đọc kinh thánh và cầu nguyện khi suy gẫm lời Ngài.

Ví dụ: Khi chúng ta gặp thử thách bắt bớ dữ tợn, mất cả niềm tin. Lời Rhema (thông qua Logos) đến với chúng ta:

“Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu…”Hê 12:6

hay:

“phước cho người nào chịu bắt bớ vì sự công bình, vì vương quốc bầu trời là của những người ấy”  Mat 5:10

Khi Thánh linh xức dầu trên lời Ngài, văn tự sẽ biến thành sự sống, biến thành quyền năng. Lời Chúa ngọt như mật, đọc hoài không thấy chán; yêu Chúa như người tình đầu tiên hạnh phúc tuyệt vời. Phải đọc kinh thánh trong niềm tin và sống, vâng phục lời Chúa hàng ngày.  Kinh thánh sẽ biến thành sông nước hằng sống tuôn chảy trong lòng chúng ta.

Cách thứ 3: Chúa phán qua chiêm bao

Trong cuộc sống đời thường, ban ngày chúng ta lu xu bu với biết bao công việc. Tâm linh chúng ta nhường chỗ cho tâm trí tư duy đủ mọi chuyện của trần gian: hỷ-nộ-ái-ố. Thân thể ngũ giác quan, cũng mệt nhoài bởi việc làm lao động chân tay.

Tối lại, nhất là trong giấc ngủ. Chúa Thánh Linh có nhiều cơ hội để dùng những lời nhỏ nhẹ, êm dịu rót vào tâm linh chúng ta, an ủi, bày tỏ ý muốn Ngài hầu giúp đức tin, sự trông cậy vào Ngài nhiều hơn. Ngài đánh thức qua chiêm bao

“Ngài phán trong chiêm bao, trong dị thượng ban đêm, lúc người ta ngủ mê” Gióp 33;15

Tổ phụ chúng ta thường nhận chiêm bao, khải tượng

“Vả khi mặt trời lặn, Ap-ra-ham ngủ mê, này một cơn kinh hãi, tối tăm nhập vào người. Đức Giê-hô-va phán cùng Ap-ra-ham rằng..” Sáng  31:24

“Đa-ni-ên đang nằm  trên giường thì thấy chiêm bao và sự hiện thấy trong đầu mình. Người bèn viết chiêm bao đó ra” Đa-ni-ên 7:1

Tân ước, Chúa thường bày tỏ qua chiêm bao

… Thiên sứ Đức Chúa Trời hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao mà rằng: “Hỡi Giô-sép con Đa-vít, ngươi chớ ngài lấy Mari làm vợ; vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh” Mat 1:20

Dĩ nhiên không phải chiêm bao nào cũng bởi Chúa. Ban ngày thường mơ mộng gì, tối đến cũng có chiêm bao. Sa-tan cũng có thể tạo chiêm bao. Phải cẩn thận, cầu nguyện chờ đợi, không quá vội tin và sống bởi chiêm bao sẽ thành mộng mị.

Muốn phân biệt chiêm bao đến từ Chúa, từ mơ mo65gn hàng ngày hay từ ma-quỷ. Cách tốt nhất là cầu nguyện hỏi Chúa, hoặc nhờ môn đồ thật tư vấn.

Cách thứ 4: Qua thiên sứ của Đức Chúa Trời

“Lối chiều, hai  thiên sứ đến Sô-đôm: Lúc đó Lót đang ngồi ở cửa thành. Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy và sấp mình xuống đất”  Sáng 19:1

Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Mari, đừng sợ vì ngươi được ơn trước mặt Đức Chúa Trời” Lu ca  1:30

Nhiều con cái Chúa thấy thiên sứ bằng mắt thường, thiên sứ thường mặc áo trắng cao khoảng trên 2m. Thiên sứ là người giúp việc chúng ta, bảo vệ chúng ta nhất là khi truyền giáo ở những nơi bị bách hại dữ tợn như các nước hồi giáo.

Cách thứ 5: Qua môn đồ thật, Hội thánh thật.

Thời Cựu Ước, Chúa bày tỏ chính Ngài cho: tiên tri, các vua, quan xét, Thầy tế lễ qua Urim, Thumim

Trong Tân Ước Chúa cũng thường bày tỏ cho các môn đồ thật, cho mục sư  chăn bầy để gây dựng thân thể Ngài.

“Sau một cuộc bàn luận dài rồi, Phi-e-rơ đứng dậy nói cùng chúng rằng: Hỡi anh em, Chúa đã chọn tôi trong các anh em, để người ngoại được nghe Phúc âm bởi miệng tôi và tin theo” Cv 15:7

Đây là cách Chúa cũng thường dùng tiên tri Ngài tỉnh thức hội thánh trong thời kỳ sa bại. Ví dụ: Chúa dùng Martin-Luther, AB. Simson và rất rất nhiều tiên tri nói tình trạng sa bại của các Hội Thánh tư gia Việt Nam trong thập niên 2000 và đã ứng nghiệm.

Tôi còn nhớ mãi, khoảng năm 1997 một buổi chiều cầu nguyện tại lầu 5 khu Miếu Nổi – Bình Thạnh, do muc sư Phụng chủ trì. Hôm đó tôi được phân công chia sẻ. Tối hôm trước tôi cầu nguyện xin Chúa ban sứ điệp vì lần đầu tiên tôi phải đối diện với khoảng 30 mục sư  của nhiều hệ phái.

Chúa cho tôi một hình ảnh: Tôi thấy một cánh đồng lúa với hạt xanh nặng trĩu cành. Ở giữa có 4 cây cổ thụ to cao, cành phủ khắp đồng lúa xanh tươi.

Tôi hỏi Chúa “Tại sao đồng lúa xanh không chín vàng để thu hoạch?” Chúa trả lời: “Đồng lúa xanh, hạt đầy cành là Hội Thánh phát triển; đồng lúa không chín vàng được là do 4 cây đại cổ thụ, là 4 đại lãnh tụ che khuất ánh sáng mặt trời. Họ đã lấy vinh hiển Chúa, không lo môn đồ hóa, chạy theo tư dục, theo dollar hơn là theo Thánh Linh”.

Tôi giảng xong, một quyết định bất thành văn “cấm tôi chia sẻ lời Chúa tại Hội thánh đó nữa; tôi đành ngậm ngùi chia tay bất đắc dĩ với Ms Phụng – người bạn đồng lao thân yêu ở nhà tù Tống lê Chân.

Xem thêm: Chuyện bây giờ mới kể.

Sau đó vài năm , nhiều sự đổ vỡ lần lượt đến với 4 đại lãnh tụ, và hậu quả để lại quá đau thương cho thân thể Chúa.

Cách thứ 6: Chúa phán qua hoàn cảnh

Đây là cách Chúa thường bày tỏ cho những người mới tin, người đơn sơ hay những khoa học gia duy lý.

“Phàm qua công việc làm các con khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ các nẻo cho con”Châm 3:6

Ví dụ: chúng ta có nan đề, cầu xin Chúa giải cứu

Qua thời gian cầu nguyện, lâu hay mau tùy thái độ đức tin và lòng thương xót của Ngài. Chúng ta nhận sự trả lời thỏa đáng, siêu nhiên lạ thườn.  Đó là cách Chúa trả lời bằng hành động.

Hay chúng ta đang bị bịnh nan y. Cầu nguyện, được  chữa lành, chúng ta được vui mừng ngợi khen Chúa. Chúa trả lời bằng phép lạ siêu nhiên.

Cách thứ 7: Ngài cảm động trong tâm linh

Đức Chúa Trời sáng tạo con người có 3 phần: Tâm linh, tâm hồn và thân thể. Tâm linh và tâm hồn ở thể linh (không phải vật chất, mắt xác thịt không thấy được).  Xác thịt hay thân thể là vỏ bọc bên ngoài che chở tâm linh lẫn tâm hồn.

Phần tâm linh để giao lưu với thế giới linh ( Thánh linh hoặc tà linh).

Đức Chúa Trời là Linh (Thánh linh); ngài cũng tương giao với loài người qua linh ( nhân linh) hay qua tâm hồn

“ … Chúa sẽ  dạy cho tôi hiểu sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi” Thi 51:6

“Vì chính Đức Thánh Linh làm chứng trong tâm linh chúng ta rằng: chúng ta là con cái Đức Chúa Trời”: Ro 8:16

“Vì chính Đức Chúa Trời đã cảm động trong linh anh em để anh em vừa muốn vừa làm theo ý định tốt đẹp của Ngài” Phi-lip 2:13

Xem thêm: Sáng tạo loài người.

Lời Rhema này, chỉ có người thuộc linh, người có một mối thông công mật thiết với Chúa, kinh nghiệm với Chúa nhiều mới không bị lầm bởi tâm trí tưởng tượng, hay cảm xúc nhất thời.

Người có tư duy khoa học: nặng đúng sai phải trái, rất khó nhận được sự cảm động bên trong; thậm chí họ nghi ngờ cả Thánh Linh Chúa.Người sống tình cảm rất dễ cảm xúc tưởng là ý Chúa.

Cách thứ 8: Thông giải tiếng lạ

Tiếng lạ, tiếng mới, tiếng ngoại quốc, tiếng Thánh Linh do Thánh Linh và chỉ có Thánh Linh hiểu, chúng ta chỉ lấy đức tin nhận lãnh.

“Vì người nào nói (cầu nguyện), thì không phải nói với người ta, bèn là nói với Đức Chúa Trời, bởi chẳng ai hiểu  (ấy là trong tâm linh người ta nói lời mầu nhiệm) – ICo 14:2

Cho nên hiểu được tiếng lạ, thông dịch tiếng lạ là hiểu được ý chỉ của Đức Chúa Trời là lời Rhema.

“Bởi vậy, người nói tiếng lạ , hãy cầu nguyện để được thông giải” – ICo 14:13

Dĩ nhiên, ma quỷ cũng có tiếng lạ. Muốn phân biệt cũng phải nhờ Thánh Linh và chỉ có Thánh Linh mới biền biệt được đến từ đâu.

Người có ơn tiếng mới mục đích để cầu nguyện nhiều và phải được tự gây dựng để gần gũi với Chúa. Tiếng mới bản thân chỉ là một ơn, như những ơn khác. Xin đừng đưa ơn tiếng mới lên quá cao như phong trào ngũ tuần: gọi là báp-tem Thánh Linh, đầy dẫy Thánh Linh; ai không có tiếng mới thì chưa được tái sinh, không được cứu… Điều nầy không đem sự gây dựng mà chỉ  đem sự gây gổ, chia rẽ, thật quá trẻ con!

Tóm lại:

Chúa chúng ta luôn muốn bày tỏ chính Ngài cho con dân Ngài; nhưng chúng ta thì luôn muốn làm theo ý riêng, sáng tác thêm đủ cách ,đủ kiểu như câu chuyện ngụ ngô Trung Hoa “ Họa xa thiêm túc” vẽ rắn thêm chân.

Với tám cách thông dụng, chúng ta thử suy gẫm, cầu xin sẽ nhận lãnh lời Rhema chính xác ngọt ngào

Bình Tân ngày 1 tháng 6 năm 2013

Ms: Nguyễn Duy Thắng

Biên tập viên

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.