Phục Hưng và Mùa Gặt

 1/ Người phục hưng

Lịch sử Hội thánh cho chúng ta tin thấy phục hưng thường đến với từng người, từng nhóm nhỏ có lòng trọn thành với Ngài.

Qua Kinh Thánh bày tỏ, chúng ta rút ra bài học:

 a. Chúa đang tìm kiếm những người có lòng ngay thẳng, trọn thành với Ngài

Chúng ta nên đặt câu hỏi cho chính mình: Tại sao Chúa không dùng mình? Tại sao Chúa dùng người khác?…

Xuyên suốt lịch sử, hơn 1600 năm Chúa mới chọn được một gia đình Nô-ê; 400 năm sau mới chọn được một Ap-ra-ham. 400 năm kế tiếp mới chọn được Môi-se… Ba năm truyền giáo của Chúa Jesus, chỉ chọn được 12 sứ đồ (sau còn mất một)… Hàng trăm nghìn người Do Thái giáo chỉ chọn được Phao-lô, Ba-na-ba, A-bô-lô…

Câu trả lời là tại mình quá yêu mình, mình không đủ đức tin để từ bỏ những điều Chúa muốn phải từ bỏ: “đi con đường hẹp”. Đây là lực cản trở lớn nhất mà mọi người đều biết rõ, nhưng không trả giá được.

b. Phải có đời sống ban cho

Chúng ta chỉ cần suy gẫm Công vụ đoạn 20 và II Têsa 2:9 sẽ có câu trả lời

Chính anh em biết rằng hai bàn tay nầy đã làm ra sự cần dùng của tôi và của đồng bạn tôi. Tôi từng bày bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn lànhận lãnh.

Hỡi anh em, anh em còn nhớ công lao khó nhọc của chúng tôi; ấy là trong khi chúng tôi giảng Tin lành cho anh em, lại cũng làm việc cả ngày lẫn đêm, để cho khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết. Anh em làm chứng, Đức Chúa Trời cũng làm chứng rằng cách ăn ở của chúng tôi đối với anh em có lòng tin, thật là thánh sạch, công bình, không chỗ trách được.

Ngày nào mà các lãnh đạo Cơ đốc giáo không từ bỏ não trạng hầu việc Chúa là không làm việc, dùng 40% tiền dâng của Hội thánh để sống, thì đừng bàn đến phục hưng. Nếu Chúa kêu gọi chúng ta vào chức vụ thánh, Chúa sẽ lo cho chúng ta ăn gì, uống gì, mặc gì, để chúng ta được chu toàn thánh chức. Tại chúng ta bon chen vào Hội thánh để kiếm chức, kiếm quyền như một nghề kinh doanh, thì đừng bao giờ nói mùa gặt, mùa hái làm gì !

2/ Công thức căn bản, nguyên lý phục hưng là:

Học tập như Hội thánh đầu tiên chắc hẳn đã phục hưng và phục hưng bền vững .

Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ, vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ” Cv 2:42

  • Bền lòng học lời dạy các sứ đồ , cầu nguyện: (lúc ấy chưa có Kinh thánh, chỉ học truyền khẩu). Học đây chính là vâng lời; khác với học ngày nay, học cho người khác, học để đi làm quan, làm thầy. Hằng ngày họ nhóm lại hiệp một cầu nguyện, trông cậy Đức Thánh Linh dẫn dắt.
  • Sự thông công giữa các anh em trong Hội thánh. Sự thông công là quan hệ mật thiết giữa các tín đồ. Chia sẻ ngọt bùi, nhất là sự bắt bớ, hy sinh, cả tuận đạo. Chia sẻ nhau những gì chia sẻ được; yêu thương nhau như gia đình tình yêu. Đó là một cách truyền đạo hiệu quả nhất.

Dầu vậy, chẳng một kẻ nào khác dám nhập bọn với môn đồ, nhưng dân chúng thì cả tiếng ngợi khen. Số những người tin Chúa càng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm, đến nỗi người ta đem kẻ bịnh để ngoài đường, cho nằm trên giường nhỏ hoặc trên chõng, để khi Phi-e-rơ đi ngang qua, bóng của người ít nữa cũng che được một vài người. Dân sự ở các thành lân cận cũng lũ lượt kéo tới thành Giê-ru-sa-lem, đem đến những người đau ốm và kẻ bị tà ma khuấy hại, thì hết thảy đều được chữa lành. – Cv 5 : 13-16

Họ không cần mở các chiến dịch truyền giáo quy mô, tốn hàng triệu đô-la; không cần những siêu nhân, siêu sao nổi tiếng. Họ không có Thần học viện, không có Chủng viện tu kín, tu hở, tu toàn phần. Họ là những nông dân chân lấm tay bùn, vừa cầm cày vừa cầm gươm Thánh Linh. Họ truyền giáo bằng cuộc đời hy sinh, tận hiến; quyền năng dấu kỳ phép lạ đầy dẫy. Kết quả  nhiều người xin tin Chúa.

  • Hàng ngày bẻ bánh dùng bữa vui vẻ, thật thà. Ngày nay, bẻ bánh 1 tháng mới làm 1 lần, HT nào bẻ bánh thường xuyên hằng ngày, hằng tuần thì coi chừng bị coi là tà giáo!
  • Quyền năng dấu kỳ phép lạ đến, chữa lành mọi bệnh tật, đáp ứng mọi nhu cầu cho họ và cho những ai kêu cầu danh Ngài. Họ đến xin tin Chúa.

Dân sự ở các thành lân cận cũng lũ lượt kéo tới thành Giê-ru-sa-lem,đem đến những người đau ốm và kẻ bị tà ma khuấy hại, thì hết thảy đều được chữa lành.

 3/ Phải có đường lối phục hưng- phải trả giá

Tôi tin ai cũng thích phục hưng, nhưng giá phải trả thì không ai dám. Mình vừa muốn Chúa, vừa muốn thế gian, giống như người trai trẻ giàu có. Tình trạng đi chân giẹo hai hàng là hòn đá cản trở lớn nhất cho phục hưng. Mọi người đều biết, nhưng bất lực.

Chúa Jesus đã đưa điều kiện này lặp lại nhiều lần qua 4 sách Phúc âm:

“Phước cho những kẻ chịu  bắt bớ vì sự công chính, vì Vương quốc Thiên đàng thuộc về họ” Mat 5: 10

“Ai yêu cha hoặc mẹ hơn Ta thì không xứng với Ta; ai yêu con trai hoặc con gái hơn Ta cũng không xứng đáng với Ta. Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta, thì chẳng xứng đáng với Ta. Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai vì Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được” Mat 10: 37- 39 

“ Nếu ai muốn theo Ta thì phải liều mình vác thập tự giá mình mà theo Ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ  mất; còn ai vì cớ Ta và Tin Lành mà mất sự sống thì sẽ được cứu” Mác 8: 34-35

“Nếu ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình và chính sự sống mình nữa thì sẽ không thể làm môn đồ Ta… Như vậy, nếu ai trong các ngươi chẳng bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đồ Ta” Lu ca 14: 26, 33

 4/ Tấm lòng được phục hưng:

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: làm sao tấm lòng được phục hưng?

Phục hưng mùa gặt đã là khó rồi; phục hưng  tấm lòng là một việc khó bội phần hơn!

Phục hưng tấm lòng là thay đổi tấm lòng; từ tấm lòng bằng đá thành tấm lòng bằng thịt; thay đổi con người Adam nguyên thủy thành con người thuộc linh giống Chúa. Làm được điều này, quả thật giống như câu chuyện thần thoại. Đây là vấn đề tranh cãi Thần học của muôn thời đại.

Câu này là tổng bao hàm đường lối phục hưng:

“Ta sẽ đổi lòng bằng đá ngươi, thành lòng bằng thịt… Ta sẽ đặt lời Ta, luật lệ ta trong lòng ngươi… khiến ngươi vâng lời ta được” – Ê-xê 36: 37-39

Trong truyện tranh Minh Tâm, tác giả minh họa chỉ cần đức tin trở lại Chúa, thì như thầy phù thủy, diễn viên xiếc “Um-ba-la” mọi sự thay đổi ngay. Cầu nguyện tiếp nhận Chúa, tức tốc Thánh Linh ngự vào lòng làm chủ con người ngay; lương tâm từ đen chuyển thành trắng. Những con vật ô uế như : chó, heo, công, dê, rắn, tốc hành quay ra khỏi lòng con người. Cuộc đời mới vui mừng bình an, giàu sang phú quý đến như chuyện thần thoại gặp bà tiên.  Nhiều người đơn sơ tin theo bức tranh, sốt sắng tin, chịu báp-tem; thực tế không phải như thế, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Họ trở lại tin Chúa là đúng đắn; nhưng qua thời gian, Hội thánh không có chiến lược môn đồ hóa, tưởng rằng tin và chịu báp-tem là đủ, là có vé vào thiên đường rồi. Kết thúc: con người vẫn như cũ  (Vũ như Cẩn) vẫn không thay đổi, thậm chí còn tệ hại hơn xưa. Họ không hiểu tại sao. Hỏi mục sư, mục sư không giải thích được! Có người đùa :” hãy chịu khổ để ngày mai chịu khó!”

Ý định của Chúa là thay đổi lòng, không phải thay đổi tôn giáo .

Bản chất con người cũ là “Lòng loài người gian ác hơn mọi thú vật” Giê-rê-mi 17: 9.

Lúc nào Sa-tan cũng gieo trong lòng họ: bọn Cơ-đốc nhân xạo rồi, làm gì có chuyện tha tội; làm sao có sự thay đổi! Tu hành mấy kiếp, ăn chay nằm đất như các vị sư mà chưa ăn thua gì!… Kiểu tin khơi khơi, làm sao giải quyết được!

Họ bắt đầu hoài nghi, thất vọng, bỏ đạo trở về cố hương theo thần cũ, giống con dâu Ọt-ba của Na-ô mi. Kết thúc họ phải gánh hậu quả : “Quỷ lại về 7 con; số phận xấu hơn ban đầu- địa ngục gấp hai.” Mat 12: 43- 45

Đó là những gì đã và đang xảy ra cho Cơ-đốc-giáo ngày nay.

Dân ta chết mất vì thiếu thông hiểu lẽ thật!

Người chăn không giảng dạy đúng như đường lối Chúa, lại mị dân, cho ăn bánh vẽ. Sự dạy dỗ sơ sài, môn đồ hóa nửa vời, đem đến hậu quả tai hại không lường hết được.

Chúng ta xem Phi-e-rơ đã đối thoại với Chúa trong sách Mác

“Phi-e-rơ liền thưa cùng Ngài rằng: Nầy, chúng tôi đã bỏ hết mọi sự mà đi theo thầy; vậy thì chúng tôi sẽ được chi?” Mat 19: 27

Qua phân đoạn Kinh thánh này, chúng ta thấy được những vấn đề quan trọng  ở đây:

  • Học tính ngay thẳng, thành thật của Phi-e-rơ : “Chúng con  đã bỏ mọi sự theo Ngài ,chúng con sẽ được gì?”

Câu hỏi này quá tuyệt vời. Đại sứ đồ  Phi-e-rơ sống thật với chính mình : “Thưa Chúa con bỏ mọi sự theo Ngài, con được gì?”.

Có lẽ người Mỹ đã học được điều này và đã có quyết sách đem lại sự thành công, thịnh vượng cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ hôm nay. Nước Mỹ, người Mỹ không có bạn, cũng không có thù chỉ có lợi.

Chúng ta phải nhận thức sâu xa, theo Chúa được lợi gì? Không phải theo để mà theo, phải có mục đích, phải tiến tới mục đích để thỏa lòng : “phải được gì?”

Chúng ta có dám nói với Chúa như Phi-e-rơ mạnh dạn, thẳng thắn đặt vấn đề với Chúa “ Con tin Chúa- bỏ mọi sự theo Chúa để được gì?”. Đôi lúc chúng ta không dám nói, sợ người ta nói mình không thuộc linh, mình ích kỷ, lo tư dục… Đang đói rách nợ nần, túng quẩn mà không dám nói với ai; tương lai đi về đâu, có thiên đàng thật không? Mình được cứu không? Nhiều vấn đề khác nữa không dám mở miệng; cứ ấm ớ trong lòng, rồi “bỏ thì thương, vương thì tội”…

“Vậy, nếu sự sáng trong ngươi chỉ là tối tăm; thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết chừng bao!”  Mat 6: 23b

Lúc nào Thần Lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật” Giăng 16: 13

  • Chúa đã trả lời rõ ràng minh bạch:

“Đức Chúa Jesus đáp rằng: Quả thật Ta nói cùng các ngươi, đến kỳ muôn vật đổi mới, khi Con người sẽ ngự trên ngôi vinh hiển của Ngài, thì các ngươi là kẻ đã theo Ta, cũng sẽ ngồi trên 12 ngôi mà xét đoán 12 chi phái Y sơ ra ên. Hễ ai vì danh Ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được sự sống đời đời. Song có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu”

Tôi tin câu trả lời của Chúa đáp ứng đầy đủ những thắc mắc trong lòng chúng ta..

Đây là điều kiệt ắt có và đủ để chúng ta phục hưng bền vững. Cũng là câu trả lời vì sao các phong trào ngũ tuần hơn nửa thế kỷ qua đưa hàng trăm triệu người ngoại quy đạo, nhưng sau đó thì một số lượng không nhỏ trở lại con đường cũ. Thực tế quá bẽ bàng!

“Chó liếm lại đồ đã mửa; heo quay lại nơi vũng sình là vậy”.

TÓM LẠI: Muốn phục hưng đúng nghĩa, bền vững, có 4 điều phải suy gẫm:

1. Phải tự nguyện vì Chúa từ bỏ thế giới vật chất mình đang sở hữu: nhà cửa, đất ruộng, danh vọng , địa vị xã hội. Phao-lô và 12 sứ đồ, nhiều con cái Chúa đã dâng cả cuộc đời, dâng tất cả tài sản  cho Chúa…

2. Phải đặt tình yêu Chúa trên  tình yêu thiên nhiên: Tình cha mẹ, tình con cái, gia tộc, quê hương, bạn bè, nghệ thuật, nghề nghiệp… Chúa phải là hàng đầu, là số một.

3. Phải từ bỏ cả chính mình: phải đóng đinh bản ngã (ý riêng, cái tôi thích, cái tôi ghét, tự ái, sĩ diện),  danh, lợi, quyền…

4. Chấp nhận bắt bớ, hoạn nạn thử thách, kể cả chết cho Chúa

Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mình thắt lưng lấy, muốn đi đâu thì đi; nhưng khi ngươi già,sẽ giơ bàn tay ra, người khác thắt lưng cho và dẫn ngươi đi đến nơi mình không muốn. Ngài nói điều đó để chỉ về Phi-e-rơ sẽ chết cách nào đặng sáng danh Đức Chúa Trời. Và sau khi đã phán như vậy, Ngài lại rằng: Hãy theo ta”

Muốn làm được điều này, phải có đức tin liều mình, và nhờ cậy quyền năng Chúa thêm sức. Chúa sẽ đồng công khi chúng ta nhờ cậy Ngài.

Nếu chỉ dừng lại số lượng người tin, mà không tiến hành bước tiếp theo: Thay đổi tấm lòng, môn đồ hóa thì là một thảm họa cho Hội thánh Chúa ngày nay.

Đạo Đức Chúa Trời không phải là lý thuyết suông nhưng phải là sống Đạo.

Có thể nói đây là bí quyết, cũng là đại mạng lịnh của chương trình cứu chuộc trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Trật mục tiêu này, tất cả trở lại số không, làm trò cười cho ma quỷ.

Làm sao đổi được lòng mới là vấn đề tối quan trọng; nếu không nói đó là vấn đề sống còn của mỗi con cái Chúa và của cả Cơ-đốc-giáo.

Ngày 7 tháng 8 năm 2014

Mục sư Nguyễn Duy Thắng

Sách tham khảo

1. Lý thuyết có  ROY&REVEL HENSSION với hai tác phẩm,

Nhìn xem Jesus và Con đường thập tự

Bửu  thạch các quan xét”  A.B Simpson

2. Thực hành Charles M. Sheldon,

Noi dấu chân Ngài

Biên tập viên

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

2 thoughts to “Phục Hưng và Mùa Gặt”

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.