Tổ chức Hội Thánh địa phương

Bài này thuộc phần 8 của 19 trong loạt bài Hội thánh của Đức Chúa Trời

IV/ TỔ CHỨC HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Hội Thánh cũng là một tổ chức, tổ chức thì đương nhiên phải có mô hình, đường lối: phải có lãnh đạo, phải có thuộc quyền… Dĩ nhiên phải theo mô hình Chúa đã dự bị từ trời.

1/ Mục sư:

Mục sư còn gọi là: Trưởng lão, Giám mục, Linh mục, Linh hướng, người chăn bầy. Nhiều danh xưng, nhưng cùng một chức dịch.

 “Anh em hãy giữ lấy mình và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết Ngài” CV 20:28

Mục sư phải từ địa phương, lớn lên từ địa phương, sống với địa phương. Không có cơ chế bổ nhiệm, luân chuyển như công chức chính quyền. Các môn đồ nơi khác đến giúp một thời gian, rồi phải trả lại cho địa phương quyền quản trị. Vì Hội Thánh là của địa phương. Công tác hàng đầu của mục sư là chăn bầy: làm cho bầy lớn lên, môn đồ hóa.

Bốn chức vụ Sứ sồ, Tiên tri, Giáo sư, Thầy giảng Phúc âm tăng cường ,giúp đỡ cho Mục sư các hội thánh địa phương.

a/ Sự kêu gọi – Ấn chứng chức vụ

Một trong những sự mầu nhiệm lớn là ngài đã chọn lựa chúng ta trước khi chúng ta chọn lựa Ngài. Ngài đến với chúng ta như đôi tình nhân “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương tương cầu”. Hai trái tim cùng rung động và kết ước vững bền.

“Nếu không phải bởi Ta thì không ai đến được cùng Cha”.

Sự kêu gọi vào chức vụ mục sư là một tiến trình theo 4 bước:

  1. Từ tấm lòng ao ước làm Mục sư.
  2. Chúa trực tiếp kêu gọi.
  3. Chúa huấn luyện theo tiêu chuẩn mục sư.
  4. Trở nên một Mục sư hoàn thiện.

Bước 1: Từ tấm lòng ao ước làm mục sư

Chúa chọn lựa và kêu gọi vào chức vụ luôn dựa vào lòng ao ước sâu thẳm của chúng ta. Đây là yếu tố quyết định và bền vững. Đức Chúa Trời biết rõ và kêu gọi theo nguyện vọng của chúng ta; khác với thuyết tiền định của Phật Giáo “tiền định là định mệnh đã an bài, không thể thay đổi”.

“Hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài ban cho ngươi mọi điều ao ước” Thi 37:4

“Ví bằng có kẻ mong được làm giám mục, ấy là ưa muốn một việc tốt lành; lời đó phải lắm” ITim 3:1

Khi có lòng ước ao, Chúa cho thực tập công tác chăn bầy

“Ngươi yêu ta chăng? Hỡi Si-môn con Giô-na… hãy chăn chiên Ta” Giăng 21:15

Công tác chăn bầy không chỉ dành riêng cho Mục sư, mà mỗi Cơ đốc nhân phải chăm sóc bầy chiên thơ của Chúa. Công tác chăn bầy khác với chức vụ chăn bầy.

Bước 2: Chúa kêu gọi trực tiếp vào chức vụ mục sư

Chức vụ chăn bầy là sự kêu gọi đặc biệt, người được kêu gọi phải cẩn thận- phải lắng nghe lời Rhêma, lời kêu gọi trực tiếp chính xác. Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo:

 “Vậy, hỡi anh em, hãy chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình. Làm điều đó anh em không hề vấp ngã” II Phi 1 :10

 

Trong thần học viện Nha Trang có một câu danh ngôn “tránh làm mục sư như tránh lửa địa ngục”.

Ngày nay, rất nhiều người gọi là Mục sư đã vấp ngã, vì động cơ vào Mục sư do xúi dục, bởi tư dục “danh-lợi-quyền” dơ bẩn; họ đã sa bại thảm hại và trở nên địa ngục gấp đôi. Mục sư là thiên chức thuộc linh; không phải là công chức lương cao lộc hậu như các hệ phái Cơ-đốc mời gọi.

Bước 3:  Mục sư phải được chuẩn hóa

Trong chức vụ 5 mặt, Mục sư được Đức Chúa Trời chuẩn hóa nghiêm khắc nhất. Tại sao vậy? Trách nhiệm Mục sư rất nặng nề khó khăn vì:

Thứ nhất: Mục sư gắn bó với bầy như người cha chăm sóc con cái; Mục sư cần làm gương để môn đồ hóa bầy.

Thứ hai: Mục sư phải sống với người ngoại xung quanh, phải sống mẫu mực để cứu họ nữa.

“Vậy người Giám mục cần không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ, có tiết độ, tài trí, xứng đáng hay tiếp khách… Khéo cai trị nhà riêng, giữ con cái mình cho trọn vẹn… Người giám mục phải được người ngoại làm chứng tốt, kẻo bị sỉ nhục và mắc bẫy ma quỷ” I Tim 3:2-7

Đọc đến đây ai cũng run sợ, và tin rằng: không ai đạt được tiêu chuẩn này. Đúng, nếu không được Chúa kêu gọi thì không ai làm được.

Nếu không ai làm được thì Đạo Chúa khác hơn gì ngoại giáo như Phật giáo, khuyên Phật tử phải giữ ngũ giới “không sát sinh, không giết người, không tà dâm, không cờ bạc, không uống rượu”; cũng không hơn gì người cộng sản muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội: “người yêu người sống để thương nhau.. làm theo năng lực, huởng theo nhu cầu.. không cần chính quyền…

Chúng ta thử suy gẫm khả năng con người có thể đạt được đòi hỏi quá mức của Chúa không:

“Không chỗ trách được”.

Người giám mục không chỗ trách được, câu này không có ý nói, người giám mục phải toàn bích, toàn thiện, toàn hảo (perfect) như Chúa. Nếu đạt tiêu chuẩn này mới được gọi là Mục sư, thì chắc chắn không ai theo được; Hội thánh Ngài trở thành hội không tưởng.

Không chỗ trách đượcđời sống kính sợ Chúa, luôn tra xét với lòng mềm mại ăn năn. Không chỗ trách được là tấm lòng của một lương tâm trong sáng ngay thẳng: có sao nói vậy, có nói có -không nói không; yếu nói yếu – mạnh nói mạnh; giàu nói giàu – nghèo nói nghèo… Lỡ phạm tội thì thật lòng nhận tội, xưng tội rồi ăn năn. Chúng ta tin khi ăn năn thì mọi tội đã được xóa; mọi yếu đuối xấu xa của tấm lòng bằng đá Chúa sẽ thay đổi thành tấm lòng bằng thịt. Công việc đó là của Chúa, trách nhiệm thuộc Chúa, nói như Đa-vít

“Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa: Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm linh tan vỡ (broken spirit) và lòng thống hối. Đức Chúa Trời ôi! Ngài không khi dễ đâu” Thi 51:16-17

Vâng, Mục sư chỉ cần học câu này là không chỗ trách được rồi! và tiến tới sự trọn lành là công việc của Thánh Linh, Ngài sẽ làm trọn cuộc đời chúng ta. Đức Chúa Trời chúng ta tuyệt vời ở chỗ này. Thiết nghĩ chỉ cần tín đồ có tấm lòng, có niềm tin, kính sợ Chúa, học lời Chúa hàng ngày cũng sẽ tiến tới không chỗ trách được. Hội thánh đầu tiên đã làm tốt điều này rồi.

“Phải khéo cai trị nhà riêng

Ngay tư tưởng Khổng tử cũng đã nói “Tu thân, tề gia, trị quốc mới bình thiên hạ”. Tu thân tề gia là hai điều kiện cơ bản của đạo làm người, của mỗi người muốn làm người bình thường (thành nhơn).

Còn chúng ta là Cơ đốc nhân, là Mục sư của Đức Chúa Trời, chăn bầy chiên của Đấng Thánh mà tiêu chuẩn không bằng thần dân nho giáo thì phải xét lại từ đầu.

“Người ngoại làm chứng tốt”

Chúng ta là muối của đất, là ánh sang thế gian. Chúng ta đang phải sống trong thế gian để làm chứng nhân tình yêu. Mục sư để cho người ngoại chê cười, nên xem xét lại sự kêu gọi hay đã được môn đồ hóa chưa?

Còn tiêu chuẩn đầy dẫy Đức Thánh Linh là chuyện đương nhiên không chỉ riêng Mục sư mà mọi môn đồ đều phải đầy dẫy Đức Thánh Linh rồi “Hết thảy đều đầy dẫy Thánh Linh” CV 2:4

Bước 4: Thụ phong Mục sư

Mục sư cũng như các chức vụ khác đều được Đức Chúa Trời kêu gọi trực tiếp và huấn luyện kỹ càng theo tiêu chuẩn của Ngài. Sau một vài năm trung tín chăn bầy có kết quả tốt, có tiếng tốt. Sứ đồ đến đặt tay cầu nguyện thụ phong chức Mục sư. Thụ phong là xác nhận chức vụ mà Đức Chúa Trời kêu gọi, vững lập uy quyền cho Mục sư với mục đích làm tăng uy tín với bầy chiên. Thụ phong khác với tấn phong. Tấn phong là bề trên ban  phẩm hàm cho bề dưới. Thụ phong là xác nhận ơn đã được Chúa ban cho một người.

“Ta để con lại Cơ- rết đặng sắp xếp mọi việc chưa thu xếp , và theo như ta đã răn bảo con mà lập (thụ phong) những trưởng lão trong mỗi thành “ Tit 1: 5.

Sự kêu gọi được ấn chứng bằng thực thể hóa trong thực tiễn đó là đường lối tuyệt vời chỉ có trong Hội thánh thật của Đức Chúa Trời; không ai mạo nhận tự dấy lên, hay bắt chước được. Bầy chiên là ấn chứng cho chức vụ mục sư; không cần mẫu hội nước ngoài đặt tay phong chức với giấy chứng nhận hay bằng cấp Thần học nào. Cũng giống như con mình sinh ra thì ấn chứng mình là cha nó, mình sở hữu nó, giáo dục nó; không cần phải được chính quyền hay tổ chức nào phong chức làm cha thì mình mới được gọi là cha .

Mục sư chính Chúa kêu gọi, Chúa chịu tránh nhiệm cuộc đời của họ. Cũng không ai có quyền cách chức, giáng chức, thuyên chuyển đi nơi khác. Cũng không ai có quyền bổ nhiệm Mục sư từ nơi khác tới để thay thế Mục sư sở tại với lý do “hết nhiệm kỳ”.

Có khi nào con quí vị mời quí vị rời khỏi nhà vì lý do cha đã chăn chúng con lâu rồi, chán lắm; hãy để chúng con mời người khác làm cha cho tươi mới hơn”!

b. Quyền lợi Mục sư

  • Mục sư cũng được hưởng quyền lợi vật chất từ tiền dâng 1/10 và các của dâng khác:

Được hưởng bao nhiêu tùy nhu cầu của người chăn trong địa phương. Kinh thánh không quy định phần trăm hay lương tháng. Bầy chiên có trách nhiệm lo đời sống cho gia đình mục sư là phải đạo Đức Chúa Trời.

 

“Chúa truyền rằng: Ai rao giảng Phúc âm, thì được nuôi mình bằng Phúc âm” ICor 9:14

“Nếu chúng tôi đã gieo những điều thuộc linh giữa anh em, thì việc gặt lại vật chất của anh em là việc quá đáng sao!”  ICor 9:11

Mục sư là người lãnh đạo, quản lý cả con người lẫn tiền bạc; được toàn quyền sử dụng quỹ tiền dâng theo nhu cầu cá nhân và Hội thánh; ban chấp sự có quyền góp ý, không có quyền phủ quyết.

  • Mục sư cũng phải được Hội thánh tôn trọng:

“Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì phải được kính trong bội phần, nhứt là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ” I Tim 5:17

Người đời còn nói “Tôn sư trọng đạo” hay “kính Phật thì trọng tăng”; Nho giáo “Quân – sư – phụ”. Đây là triết lý cũng là đạo lý Đông phương.

Muốn phê bình hay kiện cáo Mục sư, cần phải đúng điều Kinh thánh cho phép:

“Đừng chấp một cái đơn nào kiện một trưởng lão mà không cần 2 hoặc 3 người làm chứng” ITim 5:19

c/ Người nữ được làm mục sư không?

Đây là vấn đề nhiều nhà Thần học tranh luận bất phân thắng bại. Công Giáo La-mã và các hệ phái Cơ-đốc bảo thủ phủ nhận người nữ làm Giám mục.

Hãy xem Kinh thánh nói như thế nào về vấn đề này:

 

 Trong christ không có nam hay nữ

“Vì chưng anh em bởi tin Chúa Jesus, nên hết thảy là con trai  (Son of God) của Đức Chúa Trời… Tại đây không còn chia ra  người Giu-đa hay người Gờ-rét; không còn tôi mọi hay tự chủ; không còn đàn ông hay đàn bà; vì trong Chúa Jesus Christ, anh em thảy đều là mộtGal 3: 26-28

“Song trong Chúa chẳng phải đàn bà ngoài đàn ông, cũng chẳng đàn ông ngoài đàn bà” ICor 11:11

Bởi ý Ngài người này làm sứ đồ… Mục sư” Chúa đâu nói chỉ có người nam mới được làm đâu.

Một số nhà nghiên cứu trong công vụ sứ đồ có nữ sứ đồ Giu-ni-a, năm con gái của Phi-líp là tiên tri.

“Hãy chào An-trô-ni-cơGiu-ni-a” Rôma 16:7

 

Một số nhà thần học đã hiểu sai câu Kinh thánh: “Ta không cho phép người đàn bà (woman) dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ông (man); nhưng phải ở yên lặng. Vì Adam được dựng nên trước rồi mới đến Ê-va” ITim 2:11-12. Chữ đàn bà ở đây thể số ít chỉ về vợ, đàn ông cũng thể số ít chỉ về chồng; Câu này nói vợ chồng trong gia đình, không ý nói phụ nữ trong Hội thánh.

Còn chữ đàn bà câu 9 thể số nhiều (Women) “Ta cũng muốn những người đàn bà (women)  ăn mặc một cách gọn ghẽ, lấy nết na và đức hạnh giồi mình…

Từ sáng thế ký cho đến khải huyền, Đức Chúa Trời đã dùng rất nhiều người nữ trong các chức vụ trọng yếu trong Vương quốc như: Đê-bô-ra nữ quan xét, nữ tiên tri Mi-ri-am, nữ giáo sư Bê-ri-sin dạy cả sứ đồ A-bô-lô…

Đức Chúa Trời không phân biệt giới tính; trong Christ mọi người là con trai Ngài.

d. Mục sư có bị cách chức hay ngưng chức không?

Trở lại Kinh thánh, chúng ta thấy ai kêu gọi Mục sư vào chức vụ? Nếu Đức Chúa Trời kêu gọi, thì ai có quyền cách chức, dù ông có phạm tội tày trời.

Vua Sau-lơ đã phạm nhiều tội chống lại Chúa, thù ghét Đa vít là người Chúa xức dầu làm vua thay ông. Nhưng Đa-vít đâu có quyền ra tay.

Nếu Mục sư phạm tội trọng; Hội thánh có quyền cầu nguyện, góp ý, quở trách. Nhưng phải đợi để Đức Chúa Trời xử lý. Hội thánh chỉ có quyền bỏ ông tìm người chăn hiền lành khác; đừng thay Trời hành quyết người mà Ngài đã lập làm lãnh đạo.

2/ Các chấp sự

a/Tự nghĩa

Chấp sự là người thi hành công việc của thượng cấp ủy thác.

Chấp sự trong Hội thánh là người phụ tá, giúp đỡ ban Lãnh đạo của Hội thánh địa phương; cũng là người đồng công quản trị.

Chấp sự đời nay là “sự gì cũng chấp”, chấp sự là “sinh sự”!

b/ Sự hình thành các chấp sự đầu tiên

Khởi đầu các chấp sự được hình thành do nhu cầu cấp dưỡng những người góa bụa cô đơn; các sứ đồ, giám mục phải kiêm nhiệm. Các sứ đồ cùng môn đồ đã chọn ra (đề cử) một số người tốt nhất, để Hội thánh bầu chọn 7 người làm chấp sự. Không phải tự do ứng cử như một xã hội dân sự trong thể chế dân chủ, phổ thông đầu phiếu. Đường lối của Chúa là: dân chủ Thần quyền.

“Vậy anh em hãy bầu chọn trong trong nhóm mình 7 người có danh tiếng tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và khôn ngoan, rồi chúng ta giao việc này (dọn bàn) cho. Cả hội đều lấy điều đó làm đẹp lòng, cử Ê-tiên là người đầy dẫy Đức Thánh Linh, Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-nô,Ti-môn, Ba-mê-na và Ni-cô-la là người An-ti-ốt mới theo đạo Giu-đa. .. Các sứ đồ cầu nguyện rồi đặt tay lên” CV 6 : 3-6

Kinh thánh đã minh bạch như thế, nhưng ngày nay nhiều hệ phái bảo thủ đã cố tình bẻ cong chân lý. Mục sư thành chấp sự, chấp sự thành người lãnh đạo Mục sư. Lý do: vì Ban chấp sự chiêu mộ Mục sư về Hội thánh theo hợp đồng kinh tế. Chấp sự là chủ nhân ông, là siêu lãnh đạo được giáo hội ủy quyền lãnh đạo Hội thánh địa phương. Mục sư là giám đốc, là hiệu trưởng được trả lương theo hợp đồng ký kết. Mục sư không làm đúng theo yêu cầu của Ban chấp sự thì ban chấp sự có quyền mời Mục sư đi kiếm Hội thánh khác.

c/ Chuẩn hóa chấp sự

Chấp sự cũng là người đồng công quản trị Hội thánh địa phương, chăn bầy chiên cho Đức Chúa Trời. Chấp sự là bước tập sự để trở thành Mục sư.

“ Những người đó cũng phải chịu thử thách trước đã, nếu không chỗ trách được thì mới được làm chấp sự.. Các chấp sự cũng chỉ một vợ, phải khéo cai trị con cái và nhà riêng mình..”  ITim 3:8-12

Theo tiêu chuẩn thuộc linh, theo Kinh thánh thì chấp sự gần như ngang với tiêu chuẩn Mục sư. Nhưng chức vụ thì Trưởng lão hay Mục sư lãnh đạo chấp sự . Mục sư có quyền phủ quyết, còn chấp sự chỉ có quyền biểu quyết. Đây là trật tự để Hội thánh không đi vào con đường hỗn loạn, cá mè một lứa,giếng bằng ao, tao bằng mầy”.

Mục sư có quyền kỷ luật hay cách chức chấp sự. Mục sư như Tổng thống, Thủ tướng: có quyền mời hay cách chức Bộ trưởng.

Người tuận đạo đầu tiên là chấp sự Ê-tiên. Ông đầy dẫy Đức Thánh linh, khôn ngoan. Ông giảng đạo trong quyền năng không thua kém cả sứ đồ.

“ Đoạn người quỳ xuống, kêu lớn tiếng rằng: lạy Chúa, xin đừng đổ tội này trên họ ! Người vừa nói lời đó rồi thì ngủ” Cv 7:60

Chấp sự là người được Mục sư mời vào làm phụ tá. Nếu chấp sự là sinh sự”, “sự gì cũng chấp” ; thì Mục sư trưởng có quyền cho chấp sự đó “sự ra đi trong vòng trật tự” mà không có quyền khiếu nại.

Chấp sự của Hội thánh Đức Chúa Trời khác với chấp sự của các hệ phái bảo thủ: Chấp sự là chủ nhân ông, mướn Mục sư về làm Giám đốc, Hiệu trưởng cho giáo hội mình.

Tổng kết:

Trước khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã có chương trình thiết lập Hội thánh Ngài, theo như ý định toàn thiện của Ngài. Hội thánh là của Ngài, do Ngài và vì Ngài.

Chúa Giê-xu đã đến thế gian để thực hiện Hội thánh theo khuôn mẫu từ Thiên thượng. Khuôn mẫu này được các sứ đồ thực hiện một cách trọn vẹn, hiệu quả. Sau 300 năm các môn đồ Chúa đầu tiên đã môn đồ hóa ½ dân số đế quốc La-mã.

Các hệ phái Cơ-đốc nên suy nghĩ lại: tại sao đã nỗ lực quá sức mà Hội thánh không có kết quả như mong muốn. Câu trả lời: đã sai mô hình Hội thánh ban đầu!

Ăn năn làm lại từ đầu, coi mình sai trật từ đâu”, đó là sự chọn lựa khôn ngoan nhất, hiệu quả nhất.

Mục sư Nguyễn Duy Thắng

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.