Vì Khao Khát Tìm Chân Lý Một Cựu Đại Đức Phật Giáo Gặp Chúa

Lời chứng: Nguyễn Huệ Nhật

Cảm tạ Chúa, hôm nay tôi làm chứng về ơn cứu rỗi của Chúa trên đời sống của tôi. Nguyên tôi là một tu sĩ Phật Giáo, một đại đức được Chúa cứu ra khỏi tôn giáo thế gian. Suốt mấy chục năm qua tôi được gặp Chúa, được sống trong ơn thương xót của Ngài, được Chúa tha tội và đặc biệt là được sự dẫn dắt của Chúa để chiến thắng tội lỗi. Nhờ ơn Chúa, tôi kinh nghiệm được tình yêu thương, sự vui mừng khiêm tốn, thánh khiết. Đó là bằng chứng về nước thiên đàng. Thật là phước hạnh rất lớn lao không thể tưởng tượng được.

Tôi sinh ra năm 45. Lớn lên trong chiến tranh Pháp Việt. Giết chóc tra tấn tù đày làm cho tôi sợ hãi. Tôi cho rằng đó là tội lỗi, là điều làm cho tôi luôn lo âu và mơ ước đi tìm một cuộc sống hoà bình nhân ái, không hận thù, không tội ác.

Sau 1954, đất nước hoà bình, PG được truyền về làng tôi. Lúc ấy tôi đã lên 9, 10 tuổi. Tôi thích học kinh và xin ba mẹ tôi vào chùa đi tu. Ba mẹ tôi không muốn cho con cái đi tu, mải đến năm 13 tuổi tôi mới được vào chùa. Năm năm đầu tiên làm chú tiểu học kinh, học đạo, tôi bắt đầu biết suy nghĩ và nhận thức được những điều mới mẻ hơn. Tôi chứng kiến và cảm nghiệm những vấn đề tội lỗi khác xẩy ra trong con người mình, và nơi những người cùng tu. Những người thầy, người bạn của mình. Những tội lỗi như chiến tranh chém giết thì không xẩy ra trong chùa, nhưng những cuộc chiến về tư dục, quyền lợi, địa vị, danh vọng của con người thì xẩy ra thường xuyên một cách yên lặng nhưng khủng khiếp không thua gì chiến tranh, hận thù, chém giết mà tôi đã sợ hãi trước đây. Từ đó tôi cảm thấy thất vọng. Tôi nghĩ rằng nếu có địa ngục, thì các vị tu hành phải vào trước. Ở ngoài đời tranh chấp giết nhau một cách ồn ào, công khai nhưng trong chỗ tu hành yên tĩnh thì những tư dục, những tranh chấp, những hơn thua xẩy ra một cách yên lặng, ít ai biết. Thấy vậy, tôi buồn chán và nghĩ rằng có lẽ mình phải tìm một cái chết có để chấm dứt một kiếp sống mà mình biết chắc là không bao giờ thoát khỏi tội lỗi. Năm 1963, lúc đó tôi vừa 18 tuổi, nhân cuộc đấu tranh chống chính phủ Ngô Đình Diệm, tôi nghĩ rằng mình tình nguyện tự thiêu để hiến dâng thân thể tội lỗi nầy cho Phật Pháp, họa may mình mới thoát khỏi cuộc đời u ám nầy. Tôi thấy kết quả tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức đem lại thành công cho PG rất lớn. Sau đó PG đấu tranh trở lại, tôi đã tình nguyện tự thiêu để tìm một lối thoát cho linh hồn mình. Nhưng ba lần chuẩn bị đổ xăng để thiêu trong các cuộc biểu tình, tôi vẫn còn sống sót cho đến ngày cụ Ngô Đình Diệm bị lật đỗ. Tôi được giáo hội thương mến, được quý trọng như thánh sống vậy. Nhưng tôi cảm thấy ngỡ ngàng, vì đó cũng là một sự khó khăn cho tôi; ước vọng của tôi là đi tìm một cái chết để chấm dứt một đời sống mà mình biết rằng mình không thoát ra được tội lỗi. Bây giờ còn sống,nhưng nội tâm của tôi vẫn còn những khó khăn trăn trở tiếp theo.

Năm 1965 cuộc đấu tranh chống chính quyền miền Nam tái diễn ở sài Gòn, tôi suy nghĩ đến tự thiêu một lần nữa, nhưng bất ngờ tôi mục kích một vài sự kiện trái ngang phi lý trong hàng ngũ lãnh đạo trong Việt Nam Quốc Tự, tôi bỏ ý định tự thiêu. Tôi nghĩ, mình sẵn sàng chết cho Đạo Pháp, nhưng Đạo Pháp đầy dẫy sự hổn mang trong hàng ngũ lãnh đạo như thế nầy thì cái chết của mình có ích chi? Tôi tự nhủ mình cố gắng tu học để xem sao. Tu học thêm được 5 năm nữa, tôi được Phật Học Viện Nha Trang xếp vào danh sách thọ giới Tỳ Kheo vào năm 1968. Được làm một vị Tỳ Kheo, một vị đại đức, tôi càng cố gắng tu học thêm để tìm chân lý, tìm cái cảm nghiệm kết quả của một vị tu hành cho chính mình, và tôi chịu khó như thế cho đến 1972. Thật ra tôi biết con đường đi tu chỉ khó khăn đối với những ai thật tâm tìm chân lý giải thoát mà thôi. Lý thuyết tu hành thì rất hay, nhưng trên thực tế con người vẫn là con người; họ không thể thực hành được những gì mà sách vở đã viết. Trong PG có một điều, khi người ta không toại nguyện, người ta dễ tự tử, tự thiêu, hoặc tuyệt thực, hoặc tạo cho mình một cái chết để giải quyết cái mà mình không thể đạt được. Tôi có những người bạn trong chùa đã tự tử. Tôi đã chứng kiến cái chết của họ nên cứ suy nghĩ về cái chết của mình. Tôi tham gia công tác cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, nuôi các trẻ mồ côi để giải tỏa những suy nghĩ bất toại trong đầu óc mình. PG gọi đó là phiền não. Tôi hay đem những điều nầy tâm sự với anh em cùng tu, nhưng không mấy ai thích nghe. Phần nhiều người ta tìm một cuộc sống yên thân, khỏi đi lính, có địa vị, được học hành, được kính trọng. Lớn lên làm một ông thầy, được mọi người quý mến, và có đời sống vật chất rất đầy đủ; thậm chí người ta quỳ xuống để lạy mình. Phần đông người ta cho vậy là một kết quả quá lớn rồi. Nhưng tôi quyết chí đi tu để thành phật, để tìm chân lý, để giải thoát khỏi tội lỗi. Còn những quyền lợi và địa vị mà người ta đạt được, tôi quan sát thấy ngoài đời cũng như ở trong đạo, người ta càng đạt tới địa vị cao, càng xẩy ra những cuộc tranh chấp vì uy tín, quyền lợi phe nhóm và cá nhân. Lắm khi tình trạng ấy còn rối reng hơn cả những rối reng ngoài đời. Nhất là giai đoạn Phật Giáo tranh chấp ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự năm 1966. Càng nhìn vào thực tế, tôi càng mệt mỏi với chiếc áo thầy tu của mình. Tôi làm thơ để tự cười mình:

Ta nghe viễn mộng mơ hồ
Am ba lạnh ngắt cơ hồ tình hoang
Vì duyên gặp mộng bên đàng
Ta nghe một tiếng oanh vàng quặn đau
Tỉnh ra mới biết nỗi sầu:
Ca sa còn mặc, chiếc đầu tròn vo!

Học Phật và chiêm nghiệm về đời sống thực tế tu hành trong Phật Giáo, tôi cũng tìm hiểu về Hoà Hảo, Cao Đài và làm quen với các tu sỹ Công Giáo. Năm 1967, tôi vào nhà dòng Thiên An ở Huế để tìm hiểu cuộc sống tu hành của các linh mục. Họ đối xử với tôi rất tử tế, nhưng sau một đôi lần dự lễ, tôi vẫn cảm thấy nghi lễ và phép tắc tôn giáo có những cái giống nhau, nhưng đó không phải là con đường cho tôi đi tìm chân lý. Năm 1969, tôi cố ý không xin giấy hoãn dịch để trình diện nhập ngũ, nhưng không đủ sức khỏe, bị trả về chùa.

Cuối năm 1972 sau trận chiến kinh khủng ở miền Trung, trận Đại Lộ Kinh Hoàng. Ngày rằm và ngày 16 tháng Ba âm Lịch năm đó, tôi chạy lui chạy tới ở đoạn đường Cầu Dài Bến Đá và chứng kiến người ta chết rất nhiều. Tôi mở ra hai trại tỵ nạn ở Huế và Đà Nẵng, sau đó trở về Saigon yên lặng đọc sách. Đầu tiên tôi đọc bộ sách Tiếu Ngạo Giang Hồ. Bộ sách nầy vừa giải trí vừa tìm được những ý nghĩa lắc léo của cuộc đời. Sau đó tôi đọc hai quyển sách của nhà văn Hermann Hesse, người Đức. Quyển thứ nhất, ông viết về đời sống của Đức Phật ở An Độ. Quyển thứ nhì mang tên hai người bạn, một người tên là Narsiz, một người tên là Goldmund. Narsiz thích chiêm nghiệm về đời sống sâu lắng của tâm linh qua kinh điển và triết lý. Goldmund thích đi vào cuộc đời để tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống. Ông bỏ nhà dòng dấn thân vào cuộc sống phàm tục. Có khi thành công, có khi khi thất bại; nhưng sau cùng ông thấy được ý nghĩa cuộc đời. Mặc dù giáp mặt với bao đau khổ, nhưng Goldmund vẫn yêu quý cuộc sống. Tôi nghĩ mình có thể bắt chước Goldmund để cởi áo tu ra ngoài đời xem thử cuộc sống ra sao. Mình biết tu là thế nào rồi. Bây giờ cần ra đời để biết cuộc sống thực tế ra sao. Thay vì tự tử, tôi liều mạng cở áo ra đời tới đâu thì tới.

Cuối năm 1972, tôi quyết định cởi chiếc áo cà sa dù cuộc sống lúc đó khó khăn lắm. Nhưng tôi được làm việc cho cơ quan xã hội Terre Des Hommes Đức, cho nên cũng có lương hướng, có điều kiện để tò mò tìm hiểu những cái mà mình chưa biết. Một năm sau, anh bạn đồng tu của tôi giới thiệu một người phụ nữ để lập gia đình. Anh ta khuyên tôi cưới cô bạn của anh để cứu cô ta khỏi sa vào hoàn cảnh nghiệt ngã, và cũng giúp anh ta tiếp tục tu hành. Tôi nghĩ đến hoàn cảnh của bạn, và chính mình cũng cần có vợ. Tuy đã ra đời cả năm rồi, nhưng tôi chưa hiểu ý nghĩa lập gia đình như bây giờ đâu, bởi thế tôi đồng ý cưới vợ một cách dễ dàng. Cưới vợ được hai tuần lễ, tôi đi công tác ở Đà Nẵng. Một tôi hôm nhận được một lá thư của anh bạn hàng xóm cho biết rằng cái ông thầy tu giới thiệu người vợ cho tôi đang ngủ với vợ tôi ngay trong nhà tôi. Tôi về tìm hiểu sự thật mới ngã ngũ ra rằng anh bạn nầy muốn tôi cưới cô bồ của anh ta để lâu lâu lợi dụng tôi đi vắng, anh ta đến hú hý với nàng. Tôi trách anh ta, nhưng bị anh ta mắng lại: “vợ mầy, mầy không ngủ thì tao ngủ!” Thật là oái ăm, tôi là một cựu thầy tu mà vẫn bị mắc bẫy thầy tu để làm chuồng giữ trâu không công cho người khác cày! Thật ra người tu hành có nhu cầu phụ nữ bức thiết hơn người ngoài đời, nhưng không muốn gánh trách nhiệm và hậu quả. Tôi mới cưới vợ, chưa kịp làm hôn thú thì đã đổ vỡ! Vài tháng sau, bà ấy về báo cho tôi biết bà ta đã có bầu. Tôi hỏi “bầu của ai?” Bà ấy bảo: “của anh chứ của ai nữa!” Tôi băn khoăn lắm. Nếu từ chối, tôi vẫn từ chối được. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình từ chối mà cái bầu ấy lại là con mình thật là tội lỗi. Nếu không phải là con mình, nhưng mình chịu trách nhiệm cũng không xấu xa gì. Tôi thách thức với cuộc đời để xem thử ra sao! Tôi liều mạng nói với bà: “thôi được, cứ xem như đó là cái bầu của tôi và tôi sẽ nuôi bà cho đến ngày sinh đẻ đứa con rồi bà hãy giao cho tôi.” Mỗi khi cần tiền, bà ấy về lấy tiền rồi đi. Vừa sinh đứa con ba ngày, bà giao cho tôi. Lúc đầu tôi cũng sợ, nhưng bây giờ tôi cám ơn Chúa; tại sao lúc đó mình quyết định như vậy! Những ngày đầu nuôi đứa nhỏ khá khó khăn. Nhưng chỉ một vài tháng sau, đứa nhỏ bắt đầu mụ mẫm, gần gũi mình, nó có mùi thơm con nít rất dễ thương. Tôi làm gà trống nuôi con, nhờ một bà cụ hàng xóm săn sóc. Tôi đi làm về ấp ủ với con mình và chợt thấy một niềm cái hạnh phúc rất mới mẻ và thú vị. Tôi học được nhiều điều trong đứa bé. Trong cảnh khó khăn như thế tôi trở lại tu theo pháp môn thiền định của giáo phái Phổ Quang. Lúc đó nhà thơ Bùi Giáng về sống với tôi. Ông Bùi Giáng rất yêu trẻ con.

Đến năm 1975, bé được 13 tháng tuổi. Cộng sản vào gần tới Sàigòn, tôi làm công tác xã hội; sợ Saigon sẽ bị đánh tới tấp, không biết sẽ xẩy ra như thế nào, tôi đồng ý đưa con tôi qua Đức cùng với các em trẻ mồ côi trong cơ quan Terres Des Hommes để lo công tác xã hội và tìm người thân. Khi cộng sản chiếm Saigon, tôi bị tù vì đã làm việc cho cơ quan ngoại quốc, bị nghi là CIA. Thời gian bị giam, tôi ngồi thiền và chiêm nghiệm đời sống của mình. Một trong những đề tài suy nghĩ của tôi trong tù là những ý tưởng được viết trên vách do những người tù để lại. Những câu thần chú, Phật Bà Quan Am, những câu về Đức Mẹ Maria. Nhưng có một câu làm tôi suy nghĩ mãi, ấy là “Chúa ơi tại sao con khổ thế nầy?”. Đây là nguồn cảm xúc cho tôi viết bài thơ Chào Khốn Khổ để tự an ủi mình. Người ta thả tôi ra cuối năm 1977, nhưng họ trục xuất tôi khỏi thành phố. Trong lúc đang chới với như vậy, bạn bè giới thiệu cho tôi một người phụ nữ. Bà ta đã từng có một đứa con riêng như tôi. Chúng tôi quyết định lập lại gia đình lần thứ hai. Nhưng khi chuẩn bị đám cưới, tôi mới biết hôn thê của mình là một nữ tình báo cộng sản! Tôi buồn lắm, nhưng rất thương bà ấy và muốn kéo bà ta ra khỏi cái ngành nầy. Tôi không ngờ sống với một người vợ như vậy gặp nhiều ngang trái không lường hết nổi! Ngay đêm tân hôn cũng đã suýt đổ vỡ rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc đời mình phải biết nhịn nhục, phải biết chăm sóc, hạnh phúc là do mình vun xới lấy nó. Tôi rất thương vợ tôi và biết chịu khó lắm. Rồi chúng tôi cũng có một đứa con. Tôi thất nghiệp, không có hộ khẩu ở thành phố; vợ tôi đi làm, tôi ở nhà nuôi con. Đây là cơ hội thứ hai tôi được nuôi con. Nuôi đứa trẻ, mình học được nhiều điều lắm. Trong đứa trẻ có nhiều cái rất là quý. Một hôm ông Bùi Giáng đến thăm tôi. Thấy con tôi đẹp, nhưng ông trông nét mặt tôi rất là buồn. Tôi có nhiều điều buồn. Tôi suy nghĩ đến xã hội Việt Nam. Con mình xinh đẹp như thế nầy, nhưng lớn lên, nó trở thành cái gì? Trong một xã hội phi nhân, con trẻ lớn lên sẽ lãnh đủ! Tôi thất vọng lắm. Bùi Giáng nhìn nỗi buồn trên nét măt tôi bên cạnh đứa bé xinh đẹp, ông đùa: “con mầy đẹp quá mầy cho tao lạy nó vài lạy.” Xong rồi ông nói tiếp “Chúa Giê-xu bảo hãy trở nên như con trẻ mới thấy nước thiên đàng”. Tôi hỏi ông Bùi Giáng: “Chúa Giê-xu nói câu hay vậy hà? Ở đâu?” Ông bảo: “Trong Kinh Thánh chớ đâu! Mầy chưa đọc Kinh Thánh hà?” Tôi bảo “chưa”. Sau đó ông khuyên tôi đọc Kinh Thánh. Tôi rất thích cách đùa dởn của ông Bùi Giáng. Tôi chơi thân với ông Bùi Giáng đã lâu, nay nghe ông giới thiệu lời dạy của Chúa Jesus có vẻ hấp dẫn, nhưng tôi chưa hề đọc. Tôi nhớ lại mình có hai quyển Kinh Thánh. Một quyển Kinh Thánh trọn bộ do trưởng Hướng Đạo Nguyễn Quang Minh tặng năm 1971 và quyển Tân Ước Ghi-đê-ôn do cụ Tuyền cho hồi năm 1973, tôi cất trong căn nhà cũ ở Tân Thuận. Tôi có nhiều sách trong căn nhà nầy, nhưng khi bị bắt thì tất cả sách vở đều bị tịch thu hết. Mọi thứ trong nhà đều bị lấy, thậm chí cái công tắc điện họ cũng tháo gở luôn. Ra khỏi tù, tôi trở về căn nhà xác xơ, tôi cho người khác ở. Bây giờ nhớ lại tôi đã cất hai quyển Kinh Thánh nầy khuất bên sau cái đà gỗ sát bức vách. Biết đâu chưa có ai mó tay vào! Hồi đó Kinh Thánh là loại sách tôi không đọc tới nên cất kỹ để khỏi bị choán chỗ.

Vào một buổi tối, tôi đưa bà xã về thăm căn nhà cũ, xin chủ nhà vói tay lên phía sau đà gỗ sát vách để lấy hai quyển Kinh Thánh. Vừa vói tay lên, tôi đụng vào hai quyển Kinh Thánh! Trải qua sáu bảy năm vật đổi sao dời từ khi tôi cở áo tu, thất bại gia đình, bị tù đày, nhà cửa mất hết, nhưng hai quyển sách vẫn nằm yên ở đây. Điều nầy cho tôi cảm giác là có Đức Chúa Trời dõi mắt theo tôi. Tôi đem Kinh Thánh về đọc, từ từ tôi gặp lời của Chúa Giê-xu. Lời Chúa ở chỗ tôi gặp là Mathiơ đoạn 11: 25-30. Chúa ca ngợi Cha trên trời vì Ngài bày tỏ chân lý của Ngài cho những đứa con trẻ, nhưng Ngài lại che dấu chân lý đó ở những người khôn ngoan và sáng láng. Ngài cũng nói:“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” Khi đọc tới đây tôi xúc động. Tôi cảm thấy chính mình là một kẻ mệt mỏi và gánh nặng cần một sự yên nghỉ. Bấy lâu nay tôi cứ tưởng mình là người hiểu biết, là người có thiện chí; muốn làm công tác xã hội, muốn xây dựng cuộc đời, mình đi tìm chân lý, ước mơ cái đẹp, nhưng bây giờ mình có gì đâu! Mọi sự đều thất bại và tôi không có được một chút yên nghỉ nữa. Câu cuối trong đoạn nầy Chúa Giê-xu nói “Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường.” Ơ chỗ nầy tôi cũng rất cảm động, vì chính tôi thấy mình chẳng bao giờ có một chút nhu mì, hay một tý khiêm nhường; và đặc biệt là mình chưa hề được yên nghỉ. Những câu Kinh Thánh nầy dã làm cho tôi cảm nhận rằng Chúa Giê-xu nói với tôi và chính tôi cần Ngài, cho nên tôi đọc tiếp, đọc tiếp, đọc tiếp cho đến khi tôi thấy Chúa Giê-xu dạy về tình yêu thương, về sự cầu nguyện . Chúa Giê-xu dạy rõ ràng, ngắn gọn và thực tế, chứ không mông lung mơ hồ và phức tạp như kinh sách Phật Giáo. Đặc biệt đoạn Kinh Thánh nầy tôi thấy Chúa Giê-xu tóm tắt về thiền một cách súc tích, dễ hiểu và đầy cả sự soi sáng sâu xa: “ Tôi khen ngợi Cha, vì Cha đã giấu điều nầy nơi kẻ khôn ngoan người sáng láng; nhưng Cha lại bày tỏ cho những con trẻ hay. Thưa Cha, Phải, thật như vậy, vì Cha thấy điều đó là tốt lành. Hởi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” Tôi cảm thấy Chúa Giê-xu tóm tắt những gì tinh tuý nhất, mà thiền tông đã không làm nổi. Tôi bắt đầu kính trọng Chúa Giê-xu và đọc Kinh Thánh cẩn thận hơn. Đặc biệt Chúa dạy hãy nhân danh Ngài mà cầu nguyện. Và cầu chi thì được nấy. Tôi nghĩ rằng, thôi bây giờ mình cầu nguyện thử; nếu Chúa cho thì mình tin Ngài. Nếu Chúa không cho thì thôi, mình biết Ngài tốt là được rồi, chứ cũng không dám tin như một kẻ đi theo Ngài thật sự. Điều tôi cầu nguyện ở đây là xin Chúa giúp tôi thuyết phục được bà vợ để xin một căn nhà, và một chiếc xích lô để kiếm sống. Vì vợ tôi là cán bộ mà bà không bao giờ xin nhà của chính phủ. Bà thuê chỗ nầy thuê chỗ kia, mỗi năm dọn nhà mấy lần khiến những bài thơ và nhật ký của tôi mất, tôi tiếc đứt ruột nên tôi muốn thuyết phục vợ tôi xin nhà với tư cách là cán bộ. Bà làm công tác chìm, nhưng cũng có một công tác nổi. Ay là giám đốc đoàn hát Quảng Đông và Triều Châu ở Chợ Lớn. Tôi đang cầu nguyện như vậy, bỗng dưng xẩy ra một chuyện bất ngờ. Vợ tôi bị đuổi sở vì đánh gãy răng cấp trên của mình. Trong đợt cải tạo văn hóa, bà bị giáng chức giám đốc xuống phó giám đốc nên bà hận ông giám đốc mới. Trong một cuộc cãi cọ, bà đấm gãy răng ông giám đốc. Bà bị lập biên bản và phải nghỉ việc. Tôi vừa mới cầu nguyện nhờ Chúa thuyết phục bà vợ chấp nhận xin nhà chính phủ, bây giờ bà bị đuổi ra khỏi cơ quan chính phủ. Tôi rầu lắm. Bây giờ phải lo thưa kiện để giúp bà kiếm lại công việc. Tôi đang xoay xở như vậy thì ông giám đốc cho tôi biết rằng “vợ anh làm việc lâu nay nhưng chưa có nhà ở. Bây giờ anh đừng kiện tụng gì cả, hãy khuyên bà ấy làm đơn xin nhà ở đi. Bà ấy bị đuổi sở nhưng tư cách cán bộ vẫn còn. Nghe vậy, tôi về thuyết phục bà. Nhờ mất việc, bà ấy mới chịu xin nhà. Chúng tôi làm đơn, ông giám đốc ký, đưa lên Phòng Nghệ Thuật Sân Khấu, rồi qua Sở Văn Hóa Thông Tin, Sở Nhà Đất; ít bữa sau người ta cho một căn nhà quá to, chúng tôi không dám ở, phải kiếm một nhà nhỏ hơn để khỏi bị lấy lại. Tôi cầu xin Chúa cho con có một cái nhà ở và một chiếc xích lô để đạp. Bây giờ tôi có được cái nhà ở và có ngay chiếc xích lô. Tôi bắt đầu vui sướng đạp xích lô. Nhưng đạp xích lô một thời gian ngắn, rồi chán nản mau lắm, vì rất là cực nhọc và đặc biệt là gặp khách hàng lường gạt tôi một cuốc xe. Tôi chán nản, bỏ về đọc Kinh Thánh. Cầm quyển Kinh Thánh trên tay, tôi lật đại, trúng đâu đọc đó. Không ngờ tôi đọc trúng Mathiơ đoạn 5, Chúa nói là hãy yêu thương kẻ thù nghịch. Đoạn nầy tôi đã đọc rồi nhưng chưa để ý lắm. Hôm nay tôi cãi lộn tức tối ngoài đường, bây giờ về đọc lại đúng chỗ nầy. Chúa nói các ngươi yêu vợ con, yêu bạn bè, yêu thân thuộc; điều đó người ngoại cũng làm được. Phải yêu thương kẻ thù nghịch giống như bản tính của Cha các ngươi trên trời, vì Ngài làm mưa và làm nắng để nuôi người công bình và người gian ác. Phật Giáo chưa bao giờ dạy tôi yêu kẻ thù nghịch. Tôi nghĩ Chúa dạy cũng lạ thật. Chúa biểu mình yêu kẻ thù nghịch là cả một điều mà mình chưa bao giờ làm được. Kẻ thù nghịch mà phải yêu!!! Và tôi ngẫm nghĩ, nếu mình không yêu kẻ thù nghịch được thì cuộc đời mình càng thêm bất hạnh. Tôi nhớ lại mình đã cầu nguyện với Chúa, mình xin nhà ở, mình xin xe xích lô, bây giờ có cả rồi nhưng mình quên, mình không nhớ tới lời mình đã cầu nguyện. Lòng tôi đã từng nói nếu cầu nguyện mà Chúa cho thì tôi tin Chúa. Thế mà tôi cũng chưa tin. Tôi tự thấy mình là một kẻ bất nghĩa, vô ơn mà Chúa vẫn thương. Giây phút đó tôi nhận ra mình là người có tội với Chúa và tôi ăn năn với Chúa và khóc như một đứa trẻ. Tôi tự nhủ nếu không yêu được kẻ thù nghịch, ít ra mình đừng oán hận họ nữa. Lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng, ngày hôm sau tôi đạp xích lô và cảm thấy vui vui. Tôi muốn có những cuốc xe thật dài để khách ngồi trên xe xích lô và tôi ngồi đàng sau, tâm tình với họ về tình yêu của Chúa Giê-xu, về đức tin. Và tôi rất thích đọc Kinh Thánh. Từ đó tôi tìm thấy được cái hạnh phúc mỗi khi đọc Lời Chúa. Tôi muốn trốn ra nước ngoài để học về Chúa, để phục vụ Chúa. Gia đình vợ tôi ở vùng biển Phước Hải. Bà chị vợ thường tổ chức vượt biên để kiếm lời. Chồng bà làm bí thư xã Phước Hải. Chuyến nầy vợ chồng tôi kiếm khách và được đi. Không ngờ thất bại hết! Khi thất bại, vợ tôi ra công an xã nhận tội để ở tù thế cho bà chị, còn tôi nằm trốn trong chiếc quan tài của bà cụ già trên 80 tuổi, bà nội của một người bạn. Nằm trong quan tài một ngày một đêm thì bị du kích phát hiện, tôi chạy vô núi, nằm thêm một ngày một đêm nữa; vừa đói khát, vừa sợ thật là thê thảm. Ban đêm nhìn lên bầu trời, tôi cầu nguyện: “xin Chúa tha tội cho con. Con đã có Chúa, đã vui vẻ, hạnh phúc rồi. Đáng lẽ con tin Chúa thì sống ở đâu cũng được. Con trốn ra đi là điều sai lầm, nên Chúa không cho. Bây giờ cả nhà 3 người thất lạc ba nơi. Riêng con bị như thế nầy, xin Chúa tha tội cho con và cho con trở về Saigon để con tìm lại đứa con của con. Vì đứa con của con lúc đó mới hai mươi mấy tháng tuổi, nó lạc ở đâu. Khi bỏ chạy, con gởi nó lại giữa một cái sân nhà anh Băng Hồ. Bây giờ nhớ nó, con hối hận lắm.”

Chúa nhậm lời cầu nguyện của tôi rất lạ lùng. Tôi phải nói là Chúa nhậm lời hết và Chúa cho tôi về Saigon một cách an toàn, rồi Chúa giúp đỡ cho tôi có người tình nguyện đi tìm con tôi. Chính người tình nguyện đi tìm con tôi cũng tin Chúa luôn. Đó là anh Võ Văn Tài, nay cả gia đình anh đều tin Chúa. Những ngày đau khổ như vậy tôi thấy Chúa là trên hết. Lúc đó tôi chỉ còn bám vào Chúa để kêu cầu mà thôi. Thậm chí tôi không ăn, không tắm không muốn ngủ nữa. Chỉ xin Chúa cho gặp lại con tôi và đi thăm nuôi vợ. Và tất cả những điều đó Chúa ban cho hết, cho nên đức tin của tôi lớn lên những ngày như vậy. Tôi viết thư làm chứng cho vợ tôi ở trong tù. Tôi bắt đầu đi nhà thờ. Như vậy, cả năm trước tôi đã đọc Kinh Thánh rồi tin Chúa, tôi vượt biên, nhưng chưa bao giờ đi nhà thờ. Đến ngày 3 tháng 01 năm 1981 lần đầu tiên tôi đi nhà thờ và cầu nguyện tin Chúa tại Hội thánh Trần Cao Vân với mục sư Hồ Hiếu Hạ. Sau đó vợ tôi trốn từ nhà tù về và bà cũng đi nhà thờ. Chúng tôi từ Chợ Lớn, hai vợ chồng và đứa con đi xe đạp nhóm ở Trần Cao Vân. Mỗi lần đi nhóm, vợ chồng tôi ưa cãi nhau lắm. Thấy đi xa cũng hơi khó khăn, tôi xin mục sư Hạ giới thiệu về hội thánh Tuy Lý Vương. Chúng tôi học Kinh Thánh Baptem ở Tuy Lý Vương và. Mục sư Đinh Thiên Tứ làm báp tem cho vợ chồng tôi. Mới đó mà tôi đã được ở trong Chúa trên 20 năm rồi. Cảm tạ Chúa. Ở trong Chúa, từng bước tôi kinh nghiệm sự dắt dẫn của Chúa. Đầu tiên tôi cầu nguyện bỏ hút thuốc, bỏ uống rượu, bỏ tật nói dối, nói phét, rồi thoát khỏi âu lo, buồn phiền để học Lời Chúa, hầu việc Chúa. Tiếp theo đó tôi gặp những thử thách mới. Tôi sống được 10 năm hạnh phúc với vợ con vì ở trong Chúa mình sống chung thủy với vợ con và được sự bình an. Đó là 10 năm thật sự hạnh phúc. Nhưng sau đó vợ tôi không bỏ cái ngành tình báo được. Vì thế gia đình tôi lâm lụy nhiều đau thương phức tạp khác, đến năm 1989 phải đổ vỡ. Đổ vỡ gia đình lần thứ hai ở trong Chúa đau đớn vô cùng. Ngày xưa chưa có Chúa, sự đổ vỡ gia đình không làm tôi đau đớn mấy, nhưng bây giờ có Chúa rồi, sự đổ vỡ gia đình thật là xót xa. Tôi mất mát cả tinh thần lẫn vật chất. Vợ tôi trốn đi nước ngoài, mang theo đứa con, để lại cho tôi một đống nợ, tôi sa sút rất nhiều. Nhưng cảm tạ Chúa, tôi có thể sa sút như thế, nhưng đức tin của tôi trong Chúa không bao giờ sa sút. Tôi cám ơn Chúa ở chỗ là trong cảnh bế tắc như vậy tôi có Chúa để kêu cầu. Và dần dần Chúa mở đường cho tôi. Vợ tôi được qua Mỹ. Cuối năm 1993 bà về VN xin lỗi và bảo lãnh cho tôi qua Mỹ. Nhưng không ngờ từng bước một Chúa cho tôi cả một kế hoạch tình báo nhằm gài tôi qua Hoa Kỳ làm việc cho cộng sản. Khi được Chúa cho thấy điều đó, tôi nghiền ngẫm lắng nghe tiếng phán của Chúa và cuối cùng tôi đã từ chối. Vì vậy hồ sơ bảo lãnh của tôi bị hủy, tôi tiếp tục gặp khó khăn. Nhưng cảm tạ Chúa, mặc dù hoàn cảnh khó khăn như thế, Chúa cho tôi mở hội thánh tư gia và tham gia hội thánh Nazarene. Tôi là người đầu tiên mở ra hội thánh Nazarene Việt Nam năm 1992-93. Cảm tạ Chúa, sau khi tôi tin Chúa, gia đình tôi cũng có được ba mươi hai người tin Chúa. Có một đứa cháu tôi bây giờ làm mục sư. Tôi nhớ là có những đại đức như đại đức Từ Vân, đại đức Trí Dũng, đại đức Trì Liên, đại đức Ngộ Thiện và ni cô Diệu Thiện, đó là những người bạn của tôi và họ đã tin Chúa. Đặc biệt đại đức Ngộ Thiện tự đọc Kinh Thánh và tin Chúa như tôi. Ông cầu nguyện tại hội thánh Saigon. Ông đến học Kinh Thánh với tôi, sau đó ông về Bến Tre cởi áo thầy tu và nhóm lại ở hội thánh Tân Thạch. Còn ni cô Diệu Thiện thì đã lập gia đình và sinh hoạt tại hội thánh Phạm Thế Hiển Saigon. Khi tin Chúa thì trải qua những sự bắt bớ. Nhưng sự bắt bớ trong Chúa thật là phước hạnh. Đặc biệt tôi rất sung sướng vì mỗi lần bị bắt bớ là mỗi lần tôi có cơ hội để nói về tình yêu của Chúa cho công an. Qua các vụ tra hỏi của công an, tôi được làm chứng cho hai công an tin Chúa, trong đó có một người quen vợ tôi. Bùi Giáng thấy tôi gặp Chúa đầy phước hạnh, ông cũng tuyên xưng đức tin và sinh hoạt ở Hội Thánh Tuy Lý Vương với tôi một thời gian.

Dầu gặp những khó khăn liên tục, nhưng đến lúc Chúa mở đường cho tôi ra nước ngoài. Tôi đã cầu nguyện xin Chúa ra nước ngoài để giải quyết vấn đề vợ con cho minh bạch, bởi vì một người trong Chúa mà không giải quyết gia cảnh rõ ràng là khó hầu việc Chúa. Hoặc ly dị, hoặc đoàn tụ chứ không thể nửa nạc nửa mỡ làm ô danh Chúa. Khi Chúa cho qua Đức, tôi tưởng sẽ được qua Mỹ để giải quyết vấn đề gia đình. Nhưng luật pháp ở đây không đúng như điều tôi nghĩ. Hết visa ở Đức, buộc tôi phải xin tỵ nạn. Suốt 5 năm nay ở trong các trại tỵ nạn Đức, Chúa cho tôi học được nhiều điều về những nguyên nhân khó khăn, đau khổ của dân tộc VN. Tại sao họ phải đi tỵ nạn? Tại sao họ khổ, tủi nhục như thế nầy? Và tại sao một số người Việt Nam hôm nay đi kiếm sống như những con thiêu thân? Tại sao họ phải làm những việc phạm pháp một cách tự nhiên?.v.v. Khi học được những điều nầy, tôi đau đớn cầu nguyện với Chúa. Chúa cho tôi thấy rằng Ngài muốn tôi ở trong hoàn cảnh như thế nầy để đem Tin lành đến cho nhiều người VN. Khi nghe tiếng gọi của Chúa, tôi tiếp tục học Kinh Thánh, cầu nguyện với Chúa và hầu việc Ngài. Tôi làm chứng Ơn Chúa cho họ. Chúa dắt dùng tôi hình thành hội thánh Tinh Lành Việt Nam Đông Berlin: Sau một thời gian, chúng tôi được mục sư Gernot người Đức, cô cheryl người Mỹ giúp đỡ về các nhu cầu thuộclinh. Lúc đầu chỉ một vài người, bây giờ Chúa cho vài ba chục người nhóm lại hàng tuần. Tôi sung sướng vô cùng. Điều sung sướng nhất của một con người sống ở giữa trần gian nầy là được Chúa tha tội, được tái sinh trong Đức Thánh Linh, được thánh hóa, được Chúa dẫn dắt để chiến thắng tội lỗi từng bước. Nhất làkhi nhìn thấy Chúa tái sinh anh chị em mình. Dù có yếu đuối, có phạm tội đi nữa, mình cầu xin Chúa, Ngài vẫn giải cứu mình ra khỏi tội lỗi để được sống gần Chúa đầy phước hạnh, bình an. Tôi thấy điều quý báu nhất khi mình còn sống trên đời là có Chúa, và được Chúa dùng để đem tình yêu của Ngài đến cho người khác, được chia xẻ sự sống của Lời Chúa mà mình kinh nghiệm từng ngày.

Hơn hai mươi năm tôi học Kinh Thánh và hầu việc Chúa âm thầm. Khi còn ở VN, tôi là một ông đại đức tin Chúa nên nhiều người biết đến. Tôi đi đâu, người ta cũng theo dõi dễ dàng, sự bắt bớ xẩy ra thường xuyên. Có khi người ta theo dõi tôi, nhưng để bắt người khác. Bây giờ qua đây tôi được hầu việc Chúa tự do. Chúa ban cho tôi những ngày sống trong trại tỵ nạn, đáng ra là những ngày rất buồn, rất thất vọng, rất chán nản. Nhưng ngược lại đây là những ngày phước hạnh nhất của đời tôi. Trong cảnh buồn khổ thiếu thốn nầy, tôi có tự do phục vụ Chúa và tiếp tục thấy bàn tay của Chúa chăm sóc mình như Lời Chúa đã hứa là Ngài không bao giờ bỏ mình, Ngài không bao giờ để cho mình phải mồ côi cả. Ở bất cứ hoàn cảnh nào nếu mình tìm kiếm Chúa, mình gặp Ngài. Sung sướng nhất cho mình mỗi ngày là mình được găp Chúa, được tương giao với Chúa, được kinh nghiệm sự sống trong Lời Chúa. Tôi cầu nguyện xin Chúa cho con được hầu việc Ngài. Bây giờ Chúa cho tôi hầu việc Ngài được tự do viết sách, làm thơ. Tôi có cơ hội để giảng Tin Lành cho người Việt và cả người Đức. Tôi không biết còn có hạnh phúc nào lớn hơn nữa; đáng lẽ ra mình đã chết rồi, đáng lẽ mình đã bị tội lỗi đè bẹp; đáng lẽ mình đã tuyệt vọng, đã tự tử. Nhưng bây giờ có Chúa, được thoát ra khỏi tội lỗi và tâm linh mình nhìn thấy chân lý, tức là Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên mình. Đấng vô hình, nhưng Ngài hiện diện trong thân thể, trong tâm hồn của mình để thay đổi những xấu xa gian ác của mình, để biến mình trở thành con người mới, một con người tin tưởng, con người đơn sơ, lạc quan, tin quyết. Đây là một điều kỳ diệu. Một điều mà tự bản thân tôi không thể làm được và tôi tin rằng không có một người nào có thể tự sửa mình từ một kẻ có tội thành ra vô tội được, trừ khi tiếp nhận ơn tha thứ của Đức Chúa Trời trong Chúa Jesus Christ để được tái sinh. Vì mỗi ngày mình sống ngoài Chúa thì mình càng xấu thêm, càng tham lam thêm, sa bại thêm, chán nản thêm, cằn cỗi thêm, già đi; cho dù mình có thêm nhiều kinh nghiệm, nhiều tri thức, nhưng mình vẫn xa chân lý. Ngược lại, mỗi ngày ở trong Chúa, tôi thấy mình như trẻ ra, thấy mình tươi mới hơn và yêu quý cuộc sống hơn.

Tôi đang gặp những thử thách. Hoàn cảnh gia đình của tôi vẫn chưa giải quyết được. Trước đây vì sợ sự hiểu lầm làm tối danh Chúa và có hại cho Hội Thánh, nên top6i phải nói lên đôi chút sự thật. Nhưng bây giờ tôi yên nghỉ. Tôi tin rằng Chúa có cách giải quyết cho tôi. Tôi tin chắc sẽ đến thời điểm Ngài bẻ gãy nan đề nầy, vì Chúa đã biết trước cả rồi. Điều quan trọng là Chúa khiến tôi yêu được những kẻ hại mình. Chúa là Đấng vô sở bất tri. Không có một cái gì mà Ngài không biết. Ngài là Đấng vô sở bất tại, không có nơi nào mà Ngài không hiện diện. Ngài là Đấng vô sở bất năng, không có một cái gì mà Chúa không làm được. Tôi phó thác mọi sự cho Ngài. Tôi là một người hạnh phúc nhất mà trước đây không bao giờ tôi có thể tưởng tượng mình có thể hạnh phúc được như vậy. Cảm tạ Chúa, Chúa đã cứu ba tôi, Chúa đã cứu bác ruột tôi và cô ruột tôi và những người trong dòng dõi, trong gia đình tôi. Trong niềm vui cứu rỗi, tôi nói rằng:

Ngày xưa mặc áo thầy tu
Nhưng sao tội lỗi mịt mù sương mây
Bây giờ trong Chúa phước thay
Nhận ơn tha thứ lòng đầy bình an
Con vui thấy nước thiên đàng
Thân còn cõi đất, hồn vang nước trời.

Cảm tạ Chúa, tôi làm chứng đôi điều như vậy để quý vị thấy rằng cái hạnh phúc trên đời nầy không phải căn cứ vào vật chất, vào danh vọng, không phải căn cứ vào chiếc áo tôn giáo, mà hạnh phúc trên đời nầy là có Đức Chúa Trời. Đời sống của mình là đền thờ của Ngài, là của lễ sống dâng lên cho Ngài, là dụng cụ, là phương tiện để thể hiện tình yêu của Ngài, để rao giảng ơn cứu rỗi của Ngài. Vì cõi đất tạm nầy đến một ngày nào đó sẽ tan biến hết và còn lại cái tinh túy, cái hằng hữu trong chúng ta là linh hồn của chúng ta. Đức Thánh Linh đã thánh hóa chúng ta để dẫn linh hồn chúng ta về nước trời đời đời. Cám ơn Chúa.

Biên tập viên

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

2 thoughts to “Vì Khao Khát Tìm Chân Lý Một Cựu Đại Đức Phật Giáo Gặp Chúa”

  1. MS Nhật nay ra sao? Lâu rồi không thấy ông xuất hiện, còn phu nhân nữa, những gì ông Huệ nhật nói về bà Muộn rất khác những gì mhà thờ Phạm Thế Hiển nói trong lễ báo tang bà. Thế là thế nào?

  2. Xin chào, muốn mua sách của Mục Sư nguyễn Huệ Nhật bên Mỹ thì làm sao mua? Có cách nào liên hệ với mục sư nguyễn Huệ Nhật không?

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.