Sáng Tạo Loài Người

Bài này thuộc phần 2 của 4 trong loạt bài Mục đích trường cửu của Đức Chúa Trời

D/ SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC PHẦN CON NGƯỜI

1/Sự tương quan giữa tâm linh, tâm hồn, thân thể:

Tâm linh, tâm hồn và thân thể là 3 quan năng cấu thành con người. Mỗi quan năng là một thân vị độc lậptrong sự hổ tương . Tâm hồn là thân vị quyết định hành vi – chịu sự phán xét.

Tâm linh chỉ cảm động thuyết phục tâm hồn (không làm thay tâm hồn).

Xác thịt (thân thể) cũng chỉ có thể cám dỗ; xác thịt cũng không tự làm được gì hết; không làm thay tâm hồn được. Ví dụ: xác thịt đói nó đòi ăn; nhưng hồn không cho ăn thì phải chịu.

Trước khi Adam chưa phạm tội, Thánh Linh Đức Chúa Trời tương giao với Adam qua tâm linh hoặc tâm hồn. Vì tâm linh và tâm hồn đều ở thể thuộc linh.

Thánh linh Chúa chỉ đạo tâm linh; tâm linh thuyết phục tâm hồn; tâm hồn thuyết phục thân thể; thân thể điều khiển thế giới vật chất xung quanh. Đây là trật tự Thần thượng từ nguyên thủy.

Ba phần con người chỉ có người tin Chúa mới cảm nhận được. Khoa học chỉ hiểu phần cấu tạo thân thể nhưng không thể hiểu được sự cấu tạo siêu việt của tâm linh ,tâm hồn con người.

Thánh linh qua Kinh thánh giúp chúng ta phân biệt con người bề trong- con người thuộc linh

“Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xéttưởng và ý định trong lòng”  Hêb 4:12  

a. Sự tương quan giữa tâm linh và tâm hồn

Tâm linh và tâm hồn được liên kết với nhau qua lương tâm Có thể nói lương tâm là sợi dây liên lạc trọn lành giữa tâm linh với tâm hồn gọi là lòng (heart).

b. Sự tương quan  tâm hồn và thân xác

Huyết là sự sống của thân thể lẫn của tâm hồn. Đây là sự mầu nhiệm quá lớn, chúng ta chỉ lấy đức tin tiếp nhận.

11sanh mạng của xác thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh hồn mình; vì nhờ sanh mạng mà huyết mới chuộc tội được   Lê 17 :11

«  Songcác ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống , nghĩa là có máu »  Sáng 9 : 4

Huyết là hồn sống của con người và động vật. Chúa cấm ăn huyết,cấm đổ huyết (giết người), cấm ăn động vật chết ngột là vậy.

« song khá viết thơ dặn họ kiêng giữ cho khỏi sự ô uế của thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết ngột và huyết.” Công 15:20  

2/ Sự tương quan giữa tâm trí, tình cảm, ý chí

Tâm trí, tình cảm, ý chí có độc lập, độc lập trong trật tự tương quan mật thiết. Ba quan năng này được cấu tạo từ não bộ (tâm trí) – trái tim (tình cảm) – lá gan (ý chí), đều là vật chất. Nhưng cơ quan điều khiển 3 quan năng này là hồn sống (living soul).

Hồn sống là thân vị sống động. Hồn sống là thân vị quá mầu nhiệm, chỉ có Thánh linh Đức Chúa Trời mặc khải, chúng ta mới hiểu tận tường được. Nếu không có sự mầu nhiệm của hồn sống chúng ta bị bế tắc trong lý luận ngay.

Triết học duy vật biện chứng Mac-Lê-nin đã bế tắc vì cho rằng tư tưởng con người đến từ bộ não. Họ giải thích chỉ đúng phần kết quả. Họ không thể giải thích bộ não là vật chất vô tri. “Không lẽ vô tri  sinh hữu tri?” Duy vật biện chứng Mac-Lê-nin đã lầm lẫn ở chỗ này. Nếu hai ông này tin Chúa, được tái sinh; Thánh linh Chúa giúp ông và chủ thuyết ông sẽ tốt biết chừng nào!

Câu chuyện hai vợ chồng Adam hiệp một cao; đồng phạm tội. Đây là trường hợp thuận chiều “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.”

Ngược lại, cũng có trường hợp tình cảm rất muốn; xác thịt đòi hỏi tà dâm; nhưng tâm trí không đồng thuận, lương tâm cáo trách. Ý chí phải theo lý trí. Đôi khi, ý chí chưa dám quyết định, chờ đợi tâm trí thuyết phục tình cảm. Có thể chìu theo tình cảm, cũng có thể khước từ dục vọng tội lỗi. Đây là cuộc chiến nội tâm thường xảy ra hàng ngày hàng giờ. Ra đường thấy thế gian vật chất đầy hấp dẫn, tình cảm cái gì cũng thích; ý chí muốn chìu theo tình cảm; nhưng lý trí phân tích: không có tiền mua, không muốn vay nợ mua hàng hay ăn cắp ăn trộm để có được hàng ưa thích. Tình cảm, ý chí phải vâng phục lý trí.

Còn rất rất nhiều cảnh tranh chiến trong tâm hồn chúng ta. Ba quan năng này cũng là bãi chiến trường, tranh chiến bất phân thắng bại. Chúa ban cho con người khả năng này, cho nên hồn phải chịu trách nhiệm hành vi của mình. Tốt sẽ được phần thưởng; xấu phải chịu hình phạt.

Đức Chúa Trời đoán phạt con người qua thân vị hồn. Tâm hồn còn bày tỏ sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Mỗi người là một hồn; mỗi hồn có bản sắc riêng, có cá tính riêng. Hồn con hồn cha cũng không giống hoàn toàn; dù là cùng một dòng mà ra… Người đời nói: “chín người mười ý” hay “cha mẹ sinh con ai há dễ sinh lòng”,” Cha làm thầy, con đốt sách”… Trời sinh tánh, chỉ có Trời đổi tánh…

Đức Chúa Trời ban cho Adam có một tâm trí siêu việt, vượt thời gian không gian. Adam đặt tên cho muôn loài cây cỏ, muôn sinh vật từ mặt đất, chim trên trời, cá dưới biển. Tên muôn loài đó, được định danh lưu truyền cho đến ngày nay. Thời Adam chưa có chữ viết, chưa có giấy bút, chưa có computer ghi lại. Bộ nhớ của Adam siêu hơn cả computer hiện đại nhất. Khả năng của mỗi chúng ta đặt được bao nhiêu tên mà phải nhớ không ghi chép?!. Người ta gọi tâm hồn là thế giới tình cảm; hồn để giải bày tâm sự, trút bầu tâm sự. Hồn để cảm thông hay thạnh nộ. Hồn tạo ra hỷ-nộ-ái-ố. Hồn sáng tác thơ ca, nhạc kịch, thể thao, giải trí… hay an ủi nhau, làm khổ nhau, giết nhau bằng ngôn ngữ…

Tất cả mọi quan hệ tương giao qua hồn, hồn sáng tạo thế giới tình cảm. Mỗi người là một hồn; hồn giống như hoang đảo trong đại dương. Hồn ai nấy giữ.

 3/ Sự tương quan giữa tâm linh và tâm hồn: Tấm lòng

Tấm lòng là quan năng  kết hợp giữa tâm hồn và tâm linh, thông qua lương tâm.

Tấm lòng = tâm hồn (tâm trí – tình cảm – ý chí) + tâm linh (lương tâm)

Tấm lòng là một sự kết hợp mầu nhiệm giữa tâm hồn với lương tâm của tâm linh, tạo thành thân vị đặc trưng con người. Tâm hồn vốn là thân vị, kết hợp với lương tâm làm cho lương tâm thêm hoàn thiện trong việc thiện hay ác, tốt hay xấu. Duy chỉ con người mới có tấm lòng.

Làm sao chúng ta khẳng định được lòng gồm tâm hồn với lương tâm. Kinh thánh giúp chúng ta hiểu sâu điều này. Hầu hết các sách từ sáng thế cho đến khải huyền đều đề cập lòng con người. Chúa ban cho mỗi người mỗi lòng có ý chí tự do. Tấm lòng quyết định số phận chúng ta. Lòng tin hay lòng chối từ; lòng hành động hay khước từ. Tấm lòng bằng đá, tấm lòng bằng thịt. Lòng tin, miệng ăn năn tội xưng ra…

a. Tâm trí : thuộc tấm lòng

“Song Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng mấy thầy đó, thì phán rằng: Nhân sao trong lòng các ngươi có ác tưởng (tâm trí) làm vậy?” Mat 9:4

Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều,và các ý tưởng (tâm trí) của lòng họ chỉ là xấu luôn » Sáng 6 :5

b. Tình cảm: thuộc tấm lòng

«Khác nào như các ngươi hiện ở trong cơn đau đớn, nhưng ta sẽ lại thấy các ngươi, thì lòng các ngươi vui mừng (tình cảm), và chẳng ai cướp lấy sự vui mừng các ngươi được.” Giăng 16:22

«Nhưng vì ta đã nói những điều đó cho các ngươi, thì lòng các ngươi chứa chan sự phiền não (tình cảm).” Giăng 16:6

c. Ý chí : thuộc tấm lòng

“Khi người đến nơi và thấy ơn Đức Chúa Trời bèn vui mừng và khuyên mọi người phải cứ vững lòng theo (ý chí) Chúa”  Công vụ 11:23

Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định (ý chí) trong lòng”   Hêb 4:12

d. Lương tâm : thuộc tấm lòng

“Nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa”  Hêb 10:22

“Vì nếu lòng mình cáo trách (lương tâm) mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự” Igiăng  3:20

Qua các câu Kinh thánh trên cho chúng ta khẳng định: lòng là sự kết hợp giữa tâm hồn và tâm linh thông qua lương tâm. Lòng có chức năng rất lớn trong việc nhận định tội lỗi để chối từ hay hành động.

Khi chúng ta quyết định phạm tội là chúng ta đã biết nó là tội; không thể nói vì “em ngây thơ” không biết chi hết. Chúng ta đã định tội chúng ta trước khi Chúa định tội chúng ta.

Tấm lòng bằng đá là lòng cứng cỏi do lương tâm chai lì, người vô lương tâm. Khi lương tâm bất lực trước cám dỗ tâm hồn (tình cảm); con người có thể làm (ý chí) bất cứ điều gì họ muốn, kể cả cướp của giết người. Lương tâm không còn nhạy bén với tội lỗi; tha hồ phạm tội, phạm tội trong bình an.

Tấm lòng bằng thịt là tấm lòng mềm mại, tấm lòng được lương tâm tốt điều khiển. Người đời gọi người lương tâm thiện. Một hành vi tốt thường kết hợp 4 yếu tố của lòng: Lương tâm bình an ,ngay thẳng ,lương thiện hướng dẫn. Tâm trí phân tích, tổng hợp thấy tốt, đồng cảm với lương tâm. Tình cảm yêu thích, phấn khởi. Ý chí đồng ý quyết định làm.

Ngược lại một hành vi xấu: Lương tâm chai lì, làm ngơ với cáo trách; lương tâm chết. Tâm trí xu hướng xác thịt, thích tư dục;  bênh vực cho tội lỗi Tình cảm thì thích xác thịt Ý chí quyết định làm liều. Biết sai nhưng vẫn làm. Nói như Thúy Kiều “Một liều năm bảy cũng liều”.

Lòng là một thân vị, có suy nghĩ độc lập, có quyền quyết định mọi hành vi tốt hay xấu, tội lỗi hay thánh sạch.

Chính điều đó lòng phải chịu trách nhiệm việc làm của mình. Làm điều lành thì nhận bình an; làm điều ác thì phải lãnh buồn thảm. Chính lòng mình đã tự đoán xét mình.

“Tôi lấy tâm trí phục luật pháp Đức Chúa Trời; Lấy xác thịt phục luật pháp tội lỗi” Rôma 7:25b

Khi lương tâm còn trong sáng; chỉ cần một lỗi lầm nhỏ như tội thiếu tha thứ, giận hờn, nói dối… Lương tâm cáo trách,  lòng thấy bất an. Nhưng khi lương tâm chai lì thì tội lỗi chồng chất mỗi ngày thêm nhiều, thêm trầm trọng.

Lương tâm đã bị tội lỗi khống chế; lương tâm chết (còn quan năng nhưng không hoạt động được). Lương tâm chai lì, lòng trở nên cứng cỏi, chai đá; thậm chí phạm tội trọng, nhưng lòng vẫn bình an. Giết người xong thấy khoái; tà dâm với vợ người khác xem như lập được thành tích, khoe khoang với bạn bè…

Khi tôi không còn sợ chính tôi, thì tôi còn sợ ai. Khi tôi không còn sợ Đấng phán xét, thì tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn; thậm chí làm xong để vui vẻ nhận án tử hình. Lương tâm trong sáng, sẽ tạo tấm lòng mềm mại; tấm lòng muốn ăn hiền ở lành, sợ tội lỗi, muốn thoát khỏi tội lỗi. Đây là hạng người dễ tin Chúa, sẽ tin Chúa.

Mục sư Nguyễn Duy Thắng

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.