Sáng Tạo Loài Người

Bài này thuộc phần 2 của 4 trong loạt bài Mục đích trường cửu của Đức Chúa Trời

C/ CẤU TẠO VÀ CÔNG DỤNG MỖI PHẦN CỦA CON NGƯỜI

Sự sáng tạo loài người và loài người là một tạo vật đẹp đẽ nhất, khôn ngoan nhất, thật kỳ diệu nhất. Ngài sáng tạo loài Người theo sự khôn ngoan toàn tri của Ngài.

Cấu tạo thân thể bên ngoài lẫn bên trong đều có ý nghĩa thuộc linh; công dụng của mỗi phần cũng khác nhau. Nhưng tất cả đều có tác dụng hỗ tương, hiệp một như Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một.

Sự mầu nhiệm này rất lớn; chỉ có người trong Chúa mới hiểu được 3 phần con người. Nhiều giáo phái hiểu con người chỉ có 2 phần: xác và hồn. Phần đầu đã phân tích, Ngài sáng tạo con người có 3 phần tách bạch.

TÂM LINH – TÂM HỒN – THÂN THỂ

1. TÂM LINH (SPIRIT)

Tâm linh là cơ quan thuộc linh, để tương giao với thế giới linh. Đức Chúa Trời là linh, Ngài tương giao với con người qua tâm linh. Mỗi tâm linh con người cũng  là mỗi thân vị (có tư duy riêng, có tình cảm riêng và ý chí riêng). Đến Tân ước Chúa khải thị rõ

Tâm linh  tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi.” Lu ca 1: 47

Đương ban đêm, tâm hồn tôi đã ao ước Ngài; phải, tâm linh trong tôi sẽ thiết tha tìm Ngài; vì khi những sự phán xét Ngài làm ra trên đất, dân cư của thế gian đều học sự công bình”  Êsai 26:9

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm linh nhút nhát, bèn là tâm linh mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.” II Ti-mô thê  1:7 

“Đức Chúa Trời là linh, nên ai thờ lạy Ngài phải lấy tâm linh và lẽ thật để thờ lạy Cha: Ấy đó là những kẻ thờ lạy mà Cha yêu thích vậy.” Giăng 4: 23

Tâm linh cũng là một thân vị Tâm linh gồm 3 phần:  lương tâm, cơ quan tương giao, trực giác thuộc linh. 

a/ Lương tâm

Lương tâm ở trong tâm linh, để nhận biết tội lỗi và luật pháp được ghi trong lòng.

Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp…” Rô ma 2: 15a

b/ Cơ quan tương giao thuộc linh

Cơ quan tương giao giống như “ăng ten” bắt sóng máy truyền tin điện thoại. Khi tâm linh chúng ta bắt được “sóng” Thánh Linh; chúng ta được giao thông ngọt ngào với Ngài.

5 Nầy là lời truyền giảng mà chúng tôi đã nghe nơi Ngài và truyền lại cho anh em rằng Đức Chúa Trời là sự sáng,trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu. 6 Ví bằng chúng ta nói mình được giao thôngvới Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật. 7 Nhưng,nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta ” I Giăng  1:5-7

Sự giao thông hay bắt được “sóng” nói lên trong tâm linh có quan năng nối kết.

24Đức Chúa Trời là Linh, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy.»  Giăng 4 :24

Cơ quan tương giao thường rõ nét khi chúng ta ngợi khen, thờ phượng, cầu nguyện ngọt ngào bình an; tình yêu Chúa ngập tràn trong lòng. Chúng ta yêu Chúa, yêu anh em một tình yêu Agape

« 9 Vì Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm linh hầu việc, bởi sự giảng Tin lành của Con Ngài, làm chứng cho tôi rằng tôi nhắc đến anh em không thôi » Rô ma 1:9   

c/ Trực giác thuộc linh

Người đời gọi là giác quan thứ 6. Trực giác thuộc linh là quan năng siêu việt, đến bất ngờ, đi không ai biết; không giải thích được, chỉ nhận sự kiện đúng chính xác.

Ví dụ: một người bất chợt có nỗi buồn không tên chợt đến, trực giác thuộc linh báo động một điều gì đã xãy đến, hoặc không may sẽ xảy ra. Quả thật, một lát sau nhận được tin người yêu bị xe đụng, hay người thân ở phương xa qua đời. Kinh thánh gọi đó là trực giác thuộc linh.

Hay chúng ta mới gặp một người chưa biết trước đây; nhưng trong linh chúng ta báo động người này không tốt. Thời gian sau, người này phạm nhiều tội…

Tâm linh là quan năng đặc biệt tuyệt mỹ, chỉ  con người mới có. Chính tâm linh là thế giới linh, nhu cầu phải tương giao với thế giới thần linh, nên tâm linh phải sáng tạo ra tín ngưỡng, muôn ngàn tín ngưỡng (đa thần giáo) để thỏa mãn.

Tâm linh là một nhu cầu như ăn uống ngủ nghỉ.

Loài người có khả năng sáng tạo cả Thượng đế theo ý riêng của mình: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái thượng Hoàng, Thánh Alah v.v… Thế giới linh bao hàm cả tà linh, tà linh sản  sinh các thuật sĩ, thầy bùa, thầy pháp, thầy mo, thầy bói. Họ quan hệ với tà linh và có khả năng bói khoa hay chữa được nhiều tật bịnh; hay biết được tên từng con quỷ (tà linh). Các thuật sĩ thời Ai cập đã làm được nhiều dấu kỳ phép lạ v.v… Kinh thánh cho chúng ta biết tà linh cũng có nhiều quyền năng dấu kỳ phép lạ để lừ dối muôn dân…

2/TÂM HỒN (SOUL)

Cấu tạo và công dụng Tâm hồn cũng gồm có 3 phần:  tâm trí – tình cảm – ý chí

Tâm hồn hay hồn sống là một thân vị độc đáo của con người, chỉ có con người mới có. Mỗi người một hồn, không ai giống ai, hồn cha cũng không giống hồn con. Tâm hồn là một thế giới nhiệm mầu, phức tạp. Hồn tạo ra lắm vinh quang, nhưng hồn cũng tạo ra địa ngục…

Hồn cũng là quan năng thuộc linh, bao bọc tâm linh. Tâm linh và tâm hồn là hai thân vị thuộc linh; được thân thể bảo vệ, nằm bên trong thân thể. Chúng ta biết qua cảm nhận sự kiện, không thể phân tích như thân thể. Khoa học không thể phân tích hay thẩm định bằng máy được.

Theo sự cấu tạo và chức năng ban đầu. Tâm linh là bộ tổng tham mưu lãnh đạo tư tưởng con người. Hồn tiếp nhận lịnh từ tâm linh, tâm linh nhận lịnh từ Thánh linh.

Thông thường, Thánh linh điều khiển tâm linh, tâm linh điều khiển tâm hồn, tâm hồn điều khiển thể xác, thân thể điều khiển vũ trụ vật chất.

Tiếng Hy-lạp “tôi” là Ego. Ego là “hồn tôi”. Tôi là bổn thể, thân vị mỗi con người. Tâm hồn được độc lập – tự do tư duy, tự do hành động mọi sự và chịu trách nhiệm mọi hành vi của mình. Con vật không có hồn như con người; cho nên nó không chịu trách nhiệm hành vi của nó. Nó sống bởi bản năng để tự tồn.

“ Tâm hồn tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi” Luca 1:47  

“Dục hồn các môn đồn vững lòng” Cv 14:22a

72 hồn nhà Gia cốp xuống Ai-cập.

a/Tâm trí (Mind)

Tâm trí hay lý trí là tư duy, suy luận, biền biệt sự vật, phân tích ,tổng hợp rồi tham mưu cho tình cảm  yêu ghét, để ý chí quyết định đồng ý hay chối từ. Tâm trí như bánh lái con tàu, định hướng lối di và đích đến.

“Vì sự khôn ngoan (tâm trí) sẽ vào trong lòng con,và tâm hồn con sẽ lấy sự hiểu biết làm vui thích( tình cảm).” Châm 2:10.

“Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết (tâm trí ) rõ lắm.” Thi 139:14.

“Hồn ta còn nhớ đến (tâm trí), và hao mòn trong ta.” Ca-thương 3:20

Tâm trí: khôn ngoan, nhận biết, nhớ đến đều ở trong tâm hồn.

2 Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”Rô ma 12:2

Người có lý trí mạnh như các nhà khoa học, các triết gia; thường xem xét sự vật nặng đúng sai, phải trái;  khoa học. Họ khó tin và khó đầu phục Chúa. Họ sống bởi cái đầu.

b/Tình cảm (Sensation)

Tình cảm là quan năng để yêu hay ghét, giận hay hờn, vui hay buốn.  

Ma-ri bèn nói rằng: Tâm hồn tôi ngợi khen Chúa”  Lu 1:46

“Xin hãy làm vui vẻ tâm hồn kẻ tôi tớ Chúa: Vì, Chúa ôi! tâm hồn tôi ngưỡng vọng Chúa;”  Thi  86:4  

10 Hồn ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, tâm hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta; khoác áo choàng công bình cho ta, như chàng rể mới diện mão hoa trên đầu mình, như cô dâu mới giồi mình bằng châu báu” Ê-sai 61:10

Đa-vít thường nói trong Thi thiên: “Đức Chúa Trời ôi! Tâm hồn tôi mơ ước Chúa… Tâm hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời hằng sống…” Thi 42: 1-2.

Các nhà văn nhà thơ, các văn nghệ sĩ dễ thường buồn mây, khóc gió. Trái tim họ rất dễ rung động việc thương tâm. Thúy Kiều chỉ thấy mộ Đạm Tiên bên vỉa hè, lòng liền xúc cảm, bi quan chán đời: “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.” Người sống tình cảm là sống với trái tim, với cảm xúc. Lãnh đạo sống bởi tình cảm rất nguy hiểm. Đa-vit là người nghệ sĩ đa tình, đa cảm: yêu đương bừa bãi. Hậu quả gia đình tan nát; triều thần loạn lạc lúc về già.  

c/ Ý chí : đểquyết định

Thông thường, một hành vi được thực hiện tổng hợp cả ba quan năng trên. Lý trí phân tích đúng sai; tình cảm yêu thích; ý chí đồng thuận. Hồn thực thi.

“Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa”  Sáng 3:6

Theo kinh nghiệm người đời, người có lá gan lớn là người có ý chí mạnh: “có phước làm quan , to gan làm giàu”. Người này “gan dạ”, kẻ kia “can trường”; to gan hay nhát gan… Trong cõi thiên nhiên; những con vật to gan như rùa, ba ba nó bò trên đồng ruộng chẳng sợ một ai. Một em bé cũng có thể bắt được. Con thỏ, rắn lá gan chút xíu, nó rất nhát… Những người làm quân sự, họ tuyển những người có lá gan to hơn người bình thường để vào những binh chủng đặc công, thám báo… Lá gan con người liên hệ đến ý chí. Người có ý chí lớn thường làm những việc đặc biệt: hoặc tốt cũng rất tốt, anh hùng đức tin hay xấu thì trở nên đại ca đảng trưởng.

3/ THÂN THỂ (BODY)

Cấu tạo và công dụng Thân thể chủ yếu gồm: thịt, huyết, xương.  

Công dụng của thân thể là để bảo vệ tâm hồn, tâm  linh  và tiếp xúc với thế giới vật chất: mắt để nhìn, tai để nghe, mũi để ngửi, tay để sờ v.v… gọi là ngũ quan.

Sự sống của thân thể chính là huyết. Huyết mang dinh dưỡng nuôi sống các chi thể trong thân thể con người. Huyết còn là sự sống của hồn.

“ Song phải giữ mình, chớ ăn huyết; vì huyết là sự sống, nên chớ ăn thịt luôn với sự sống”  Phục 12: 23

Hồn và xác liên hệ chặt chẽ qua huyết. Huyết là sự sống của hồn và cả sự sống của xác. Thân thể là vật chất, là công cụ của hồn; hồn điều khiển thân thể thân thể như cơ quan thuộc cấp. Cho nên, thân thể không chịu trách nhiệm hành vi.

Thân thể đóng vai như  hành lang bảo vệ nơi thánh và nơi chí thánh của đền  Giê-ru-sa-lem.

Mục sư Nguyễn Duy Thắng

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.