Làm Thế Nào Để Nhận Biết Có Đức Chúa Trời?

II- BỔN THỂ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI:

Chúng ta nhận biết chắc chắn có Đức Chúa Trời là một khám phá đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta còn phải đào sâu thêm bổn thể của Ngài như thế nào? Các đặc tính của Ngài ra sao? Phaolô đã kinh nghiệm về Ngài và đã cầu nguyện cho chúng ta.

“Tôi cầu Đức Chúa Trời của Jêsus-Christ chúng ta, là Cha vinh hiển ban tâm linh của sự khôn ngoan và sự tỏ sáng cho anh em để nhận biết Ngài, lại còn soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thế nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao, và cho biết quyền vô hạn của Ngài đối với chúng ta có lòng tin là lớn dường nào…” (Êphêsô 1:17-19).

1- Đức Chúa Trời là Đấng đầu tiên và cuối cùng:

Đức Chúa Trời không chỉ mặc khải công việc của Ngài mà Ngài còn mặc khải chính Ngài cho chúng ta.

Ngài tự giới thiệu:

“Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất 3:14).

“Ta là Đấng Hiện Có, Đã Có và Còn Đến; Ta là Đấng Trước Hết và Sau Cùng; Ta là Alpha và Ômêga” (Khải huyền 1:8,17b).

Có người hỏi: “Ai sinh ra Đức Chúa Trời?” Nếu có một Đấng sinh ra Đức Chúa Trời thì điều đó là mâu thuẫn, không thể có được, vì chính Ngài đã giới thiệu Ngài là Đấng Tự Hữu, Đầu Tiên và Cuối Cùng. Điều này có nghĩa, chính Ngài giải thích: Ta tự có, không có ai sinh ra Ta, Ta còn đến đời đời, không có ai khác tồn tại trước Ta và sau Ta.

Sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thật là mầu nhiệm, ngoài khả năng tưởng tượng của loài người. Chúng ta hãy lấy đức tin đơn sơ tiếp nhận. Tại sao chúng ta dễ dàng chấp nhận sự hiện hữu của các định lý, định luật, công thức… trong vũ trụ (mặc dù không biết nguồn gốc của chúng) mà lại không dễ dàng chấp nhận Đức Chúa Trời là Đấng hiện hữu và tạo dựng vũ trụ đầu tiên nhất?

Chúng ta tin Đức Chúa Trời thì Ngài cũng hiện hữu, chúng ta không tin thì Ngài cũng đã hiện hữu.

2- Đức Chúa Trời là Đấng công bình:

Tư tưởng dân gian cũng xác định: “Lưới trời lồng lộng nhưng không ai lọt qua được”. Phải, Đức Chúa Trời đang đoán xét cả thế giới từ vua chúa cho đến mỗi chúng ta. “Gieo gió thì gặt bão”, “gieo gì thì gặt nấy”. Chúng ta thường nghiên cứu kết quả mà quên nghiên cứu nguyên nhân. Chúng ta thử đặt câu hỏi: “Ai là Đấng đoán xét điều đó?”. Không lẽ tự nhiên xảy ra một cách khách quan mà lại công bình, nghiêm minh như vậy sao?

Kinh thánh xác định rõ Đức Chúa Trời là Đấng công bình.

“Chúa là quan án công bình” (II Timôthê 4:8b).

Đức Chúa Trời đoán xét nhân loại:

“Ai tin Con thì có sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó”. (Giăng 3:36).

Không một giáo chủ của một tôn giáo nào lại tuyên bố khẳng định điều này, ngoài ra Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng thưởng phạt nghiêm minh. Không có trường hợp tin Chúa cũng tốt, không tin cũng chẳng sao, miễn ăn hiền ở lành là hợp với lương tâm đạo làm người. Đối với vua đời nay, không vâng phục vua là phạm tội khi quân, đáng bị đem ra xử tử, huống chi Đức Chúa Trời là vua muôn vua, Chúa muôn chúa mà chúng ta không kính sợ Ngài, tội đó cũng đáng ở hỏa ngục đời đời. Việc lo ăn hiền ở lành mà không quan tâm đến sự phán xét, sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, đó là tư tưởng lừa dối của ma quỷ. Đáng thương thay, có hàng tỷ người bị mắc mưu kế của ma quỷ, tự đào mồ chôn linh hồn mình bằng cách chối bỏ Đức Chúa Trời !

Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có đủ thẩm quyền buộc tội hay tha tội.

Kinh thánh xác định rõ:

“Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (II Côrinhtô 5:10).

3- Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương:

Nếu Đức Chúa Trời chỉ công bình thôi thì Đức Chúa Trời sẽ thành quan tòa kinh khiếp, khủng hoảng, khô khan, không ai dám gần Ngài, mọi người đều “kính như viễn chi”. Nhưng Ngài còn là Đức Chúa Trời của tình yêu thương; tình yêu của Ngài thật kỳ diệu, lạ lùng. Không có một tình yêu nào trên thế gian dù cao thượng cỡ nào lại có thể so được với tình yêu Đức Chúa Trời – một tình yêu cao thượng, một tình yêu hy sinh vô bờ bến – trong Chúa Jêsus Christ. Ngài yêu loài người bằng một tình yêu cụ thể, hành động cụ thể.

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Đức Chúa Trời đã hạ mình xuống thành một con người, với tâm tình một con người có vui, buồn, đau khổ, yếu đuối để rồi Ngài cảm thông, cứu loài người ra khỏi đau thương, tội lỗi. Đức Chúa Trời đã thực hiện xong chương trình cứu chuộc nhân loại cách đây 2000 năm. Đức Chúa Trời đoán xét chúng ta để đưa chúng ta vào tình yêu của Ngài.

Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu” (Êphêsô 2:4-5).

Đức Chúa Trời đã giáng thế để cho chúng ta đến với Ngài một cách tự nhiên, an toàn và thỏa lòng. Như điện cao thế phải hạ xuống thật thấp để chúng ta mới có thể đến gần rờ vào mà không chết.

Trong các bổn tính của Ngài, tình yêu thương là đặc tính cao thượng, xuyên suốt diệu kỳ từ trước buổi sáng thế cho đến cõi đời đời. Tình yêu của Ngài qua sự chết trên thập tự giá đã thuyết phục chúng ta, khiến chúng ta yêu lại Ngài và cũng sẵn sàng chịu khổ, chịu chết vì Ngài. Một em bé 15 tuổi không chịu sống để thắp hương, quỳ lạy tượng thần La Mã của bạo chúa Néron. Lời nói của em: “Chúa Jêsus yêu tôi, không bỏ tôi, sao tôi lại chối Ngài?”. Em đã mỉm cười trên giàn hỏa, góp phần làm cho triều đại Néron phải sụp đổ, đế quốc La Mã phải cáo chung. Bởi tình yêu thương của Chúa Jêsus đã cảm động muôn ngàn cơ đốc nhân đã vui cười nằm xuống để cho bông hồng tình thương của Đấng Christ nở rộng trong lòng thế nhân đầy đau thương, thù hận, để cho đạo Đấng Christ lan rộng khắp toàn cầu, tình yêu Jêsus phải toàn thắng hận thù và chiến tranh.

4- Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết:

Thánh khiết nghĩa là không có tội. Đấng vô tội mới có quyền phán xét thế gian. Nếu Đức Chúa Trời không phải là Đấng thánh khiết thì Ngài không phán xét ai được. Nếu Ngài còn tội lỗi mà phán xét tội nhân thì không hơn gì quan đời nay, bản chất là một tội nhân, lại khoác bộ áo công nghĩa để phán xét kẻ có tội. Người tham lam phán xét kẻ tà dâm, kẻ tà dâm phán xét kẻ giết người…

Đức Chúa Trời phán:

“Các ngươi phải nên thánh vì Ta Giêhôva Đức Chúa Trời các ngươi vốn là thánh” (Lêvi 19:2).

“Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu” (I Giăng 1:5b).

Thánh khiết, sự sáng đối nghịch với tội lỗi, tối tăm. Chúng ta đầy tội lỗi và tối tăm nên cần đến thánh khiết và sự sáng của Ngài. Thế giới nỗ lực đi tìm sự công bình yêu thương thánh khiết… Nhưng nhân loại càng văn minh tiến bộ thì tội càng gia tăng. Việc đi tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ của loài người chỉ là vô ích, chỉ là ước mơ. Hãy đến với Đức Chúa Trời, mọi ước mơ đó sẽ biến thành hiện thực.

5- Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, giải cứu:

Nếu Đức Chúa Trời chỉ là Đấng yêu thương, công bình, thánh khiết nhưng không có quyền năng gì hết, không có khả năng giải quyết nhu cầu của chúng ta, thì Ngài cũng giống như ông Phật, ông Khổng Tử, ông Socrate…

Nho giáo thì triết lý an ủi: “Đã làm người ai cũng phải chết, nhân sinh tự cổ thùy vô tử”. Phật giáo lý luận: “sinh, lão, bệnh, tử” là chuyện bình thường của cõi đời. Loài người đang chết đuối trong dòng thác của tội lỗi: cả thân xác lẫn tâm hồn. Loài người bất lực nhưng Đức Chúa Trời không bất năng. Ngài phán một tiếng thì từ hư vô thành vũ trụ. Ngài truyền một tiếng thì kẻ chết được sống lại, người què được đi, người mù được sáng.

Không những Ngài sở hữu quyền năng tuyệt đối mà Ngài còn chuyển giao quyền năng đó cho con cái Ngài.

Vì “hễ ai nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền bính để trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).

Hay “Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rôma 1:16b). Quyền bính đó được thực thể hóa bằng những dấu kỳ phép lạ.

Sách Mác 16:17-18 chép: “Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ này: lấy danh Ta mà trừ quỷ, dùng tiếng mới mà nói, bắt rắn trong tay, uống giống chi độc cũng chẳng hại gì, hễ đặt tay trên kẻ đau thì kẻ đau sẽ được lành”.

Quyền năng này đã được ứng nghiệm trải qua 20 thế kỷ. Tin Ngài, vâng giữ các điều răn của Ngài sẽ kinh nghiệm được những dấu kỳ phép lạ này. Không ai thực lòng tin Chúa mà không kinh nghiệm được quyền năng của Ngài. Ngài đang chờ đợi để làm phép lạ cho chúng ta.

KẾT LUẬN:

Việc tìm kiếm Đức Chúa Trời và trở lại với Ngài là việc làm tự nhiên và cần thiết của mỗi chúng ta, là bổn phận của người con đối với Cha thiên thượng. Đến với Đức Chúa Trời không phải là tín ngưỡng đơn thuần mà còn là chân lý tuyệt đối. Chỉ có Ngài mới là chân lý tuyệt đối. Trong Ngài mới có sự sống thật, duy Ngài mới có sự cứu rỗi đời nay và đời đời. Trở về với Đức Chúa Trời là trở về với cội nguồn. Hãy đến với Ngài. Amen.

Chúng ta lấy lòng thành thật cầu nguyện với Ngài:

“Kính lạy Đức Chúa Trời là Thượng Đế toàn năng, là Cha yêu thương. Kính lạy Chúa Jêsus là Đấng đã chết trên thập tự giá để gánh tội lỗi cho nhân loại chúng con. Chúa Jêsus ơi! Xin dòng huyết Chúa đổ ra tha tội cho con . Xin  nhận con làm con cái Ngài. Xin Chúa thay đổi tấm lòng con, khải thị cho con biết Ngài là Đấng có thật để con vững lòng tin. Con cám ơn Chúa Jêsus. Nhân danh Chúa Jêsus Christ. Amen”.

 

Mục sư Nguyễn duy Thắng

Biên tập viên

Trang mạng Cơ Đốc không phân biệt hệ phái cùng nhau nhìn lại thực trạng thuộc linh “ xem mình sa sút từ đâu” mạnh dạn, can đảm nhìn sự thật để “ Làm lại từ đầu”, lấy lại niềm tin, nhận lại sức sống mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.